Một câu chuyện đáng sợ!
Ông Nguyễn Văn A năm nay 50 tuổi, có sức khỏe trung bình. Ông hơi mập và hút thuốc mỗi ngày nửa gói. Trong tháng vừa qua, ông hay có triệu chứng ăn không tiêu và hơi mệt trong lồng ngực khi làm việc nặng và khi đi lên lầu. Ông vì bận bịu công việc hằng ngày nên ít tập thể dục và ăn uống không kiêng cữ chi cả. Hôm qua ông đang ăn tối thì bỗng dưng cảm thấy khó thở, ngực lại mệt và nặng. Ông thử uống một viên thuốc tiêu hóa Maalox và cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhưng sau 15 phút, những triệu chứng mệt và nặng ngực trở lại. Vợ ông bèn cạo gió và ông cảm thấy dễ chịu hơn nên ông đi ngủ. Lúc 4 giờ sáng, ông bị đánh thức bởi một cơn tức ngực mà trong đời ông chưa từng có. Ông gọi số 911 và xe cứu thương chở ông tới phòng cấp cứu của nhà thương gần nhà. Sau khi khám kỹ, bác sĩ cho ông biết ông đang bị “heart attack”, thông thường gọi là bệnh nhồi máu cơ tim. Bác sĩ lập tức chữa trị cho ông ngay. Ông được chuyển qua khu Hồi Sinh Intensive Care Unit (ICU), nhưng vừa đến đó là tim ông bất thình lình ngưng đập và bác sĩ không cứu được ông. Ông A mất trước khi trời sáng. Ông là một trong 900.000 người bị bệnh nhồi máu cơ tim ở Mỹ mỗi năm. Trong 40 năm qua, những người ở xứ Hoa Kỳ bị chết vì bệnh này gồm có nhiều vị nổi tiếng như cựu Tổng Thống Dwight Eisenhower, cựu Tổng Thống Lyndon Johnson, tài tử lừng danh Clark Gable. Bệnh nhồi máu cơ tim là một bệnh rất thông thường nhưng rất nguy hiểm. Trên thế giới, mỗi năm có hơn 6 triệu người chết vì bệnh tim, cũng là nguyên nhân làm chết người thông thường nhất của cả những xứ nghèo lẫn giàu. Trong số 900.000 người bị bệnh nhồi máu cơ tim mỗi năm ở Mỹ, có 225.000 người chết; phân nửa số người chết này chết bất thình lình trong vòng một tiếng đồng hồ đầu sau khi phát hiện ra triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim, có nghĩa là trước khi bệnh nhân có cơ hội đi đến bệnh viện để được cứu cấp. Bệnh nhồi máu cơ tim là nguyên nhân chính làm cho bệnh nhân chết bất thình lình, mà Việt Nam thường cho là bị “trúng gió”. Vì tim sẽ bị hư nếu không được chữa trị trong vòng 6 tiếng đầu, đi nhà thương khi triệu chứng mới bắt đầu, sẽ giảm đi sự nguy hiểm của bệnh nhồi máu cơ tim.
Làm sao trái tim bạn bị nhồi máu?
Bệnh nhồi máu cơ tim gây ra bởi mạch máu vành tim (coronary artery) bị máu đông làm đông nghẽn bất thình lình. Khi mạch vành tim nghẽn đi thì sẽ không dẫn máu và dưỡng khí đến nuôi cơ tim được và bắp thịt tim sẽ chết dần trong vòng 6 tiếng. Vì vậy bệnh nhồi máu cơ tim là một bệnh khẩn cấp và rất nguy hiểm. Bệnh nhồi máu cơ tim thường bắt nguồn từ bệnh mỡ đông trong mạch vành tim (coronary artery disease) (hình 1).
Nghiên cứu của bác sĩ chuyên môn ngành tim và Pathology đã cho ta biết rằng mỡ bắt đầu đóng vào vành tim từ lúc ta dưới 10 tuổi. Mỡ này có nhiều loại nhưng loại chính là cholesterol. Mỡ cholesterol đóng vào mạch vành tim tuy chậm nhưng mỗi ngày một nhiều. Ðàn ông hơn 30 tuổi thì mạch máu có thể đã bị nghẽn nhiều, và dễ dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim. Ðàn bà thường chỉ bị bệnh nhồi máu cơ tim sau khi dứt kinh nguyệt (menopause) hay ngoài 40 tuổi.
Làm sao bạn biết được bệnh này?
Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim là nặng, đau hay tức giữa hoặc phía bên trái của ngực một cách dai dẳng (thường lâu hơn 30 phút). Có nhiều bệnh nhân chỉ bị mệt trong ngực, hoặc là đau nhói lồng ngực, đau cằm, đau vai hay tay trái, đau cổ, lưng, răng hoặc cả đau bụng. Thỉnh thoảng bệnh nhân lại đau cả hai tay hoặc chỉ tay phải, đau ngực phải thay vì ngực trái (hình 2). Nếu bị đau nhiều, có thể bệnh nhân cũng bị nôn mửa, toát mồ hôi, khó thở, mệt lả, chóng mặt hay bị xỉu. Khoảng 20 tới 60 phần trăm những người bị nhồi máu cơ tim nhưng không chết, không có triệu chứng hoặc không nhận ra triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim.
Không phải ai bị bệnh tim cũng bị tất cả những triệu chứng như trên. Có khi những triệu chứng giảm đi rồi lại nặng trở lại. Nếu bạn có những triệu chứng này, đừng phí thời giờ quý báu để uống thuốc đau nhức ở nhà, cạo gió hay chờ đợi với hy vọng là bệnh sẽ tự động thuyên giảm. Bạn hãy lập tức đến phòng cấp cứu của bệnh viện. Nhiều bệnh nhân thường hay phủ nhận là mình đang có những triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim, vì rất sợ bị bệnh và muốn nghĩ rằng mình chỉ ăn không tiêu hay mệt mà thôi. Họ cũng có thể xấu hổ vì sợ người khác chê cười hay hoảng sợ vô cớ. Những điều này không đúng và có thể làm bạn mất mạng. Không để ý đến triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim cũng đồng nghĩa là khinh thường tính mạng của mình.
Khi biết bệnh… bạn nên làm gì?
Khi bạn đến phòng cấp cứu, bác sĩ cần phải đo huyết áp nhịp tim, và điện tâm đồ. Bệnh nhân sẽ được thử máu nhiều lần trong vòng 2 ngày đầu để tìm những hóa chất (cardiac enzymes) tiết ra từ bắp thịt tim đang bị nhồi máu (chết). Có nhiều cuộc thử nghiệm khác như siêu âm, soi tim v..v.. sẽ được làm trong lúc bệnh nhân nằm ở nhà thương. Bệnh nhân sẽ được gắn vô dây điện tim để nhịp tim được theo dõi liên tục. Trước khi bệnh nhân về nhà, bác sĩ có thể sẽ cho họ chạy trên máy Treadmill để xem tim có khỏe chưa.
Lúc bệnh nhân xuất viện, bác sĩ sẽ cho nhiều loại thuốc để uống và cần uống điều độ. Bệnh nhân không nên bỏ, ngoại trừ trường hợp họ bị phản ứng với thuốc, hay đã thông báo cho bác sĩ biết trước và bác sĩ đồng ý cho họ ngưng hay đổi thuốc. Những loại thuốc chính mà bạn sẽ được uống sau khi xuất viện là thuốc Aspirin, thuốc Nitroglycerin để ngâm hay xịt dưới lưỡi lúc bị đau hay nặng ngực, những thuốc thuộc loại Beta Blockerd, loại Angiotesin Converting Enzymes (ACE), Inhibitors, và có thể loại Calcium Channel Blockers. Nếu mỡ Cholesterol của bệnh nhân cao hơn mức độ tốt thì bác sĩ sẽ cho họ uống thuốc giảm mỡ Cholesterol. Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết về đặc tính của những loại thuốc này hãy tham khảo thêm với bác sĩ gia đình hoặc chuyên khoa tim.
Ngoài thuốc, bệnh nhân còn cần phải làm những điều sau đây. Trước tiên, họ phải bỏ hút thuốc lá, vì thuốc lá làm mạch máu vành tim dễ bị đóng mỡ Cholesterol và cũng làm cho máu trong người dễ bị đông đặc, dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim.
Sau đó, bệnh nhân cần cữ những thực phẩm có nhiều chất dầu, mỡ hoặc chất ngọt. Họ nên giảm đi số lượng tiêu thụ hàng ngày. Ăn thêm rau cải, trái cây sẽ giúp mỡ Cholesterol được giảm xuống. Hơn nữa, khi ăn ít dầu mỡ, và đồ ngọt thì số cân nặng của họ cũng giảm theo và những bệnh như Tiểu Ðường, cao Áp Huyết (hypertension) cũng được thuyên giảm.
Những điều bạn nên lưu ý!
Cuối cùng bệnh nhân cần tập thể dục trong chương trình Cardiac Rehabilitation dành cho những bệnh nhân vừa xuất viện sau khi bị nhồi máu cơ tim. Mục tiêu của chương trình này là giúp cho bạn tập được 20 phút thể dục, mệt hay khó bằng cách đi bộ nhanh ít nhất 3 lần mỗi tuần. Về vấn đề sinh lý và giao hợp, bệnh nhân nên chờ 30 ngày sau khi bệnh nhồi máu cơ tim, vì tim còn yếu trong tháng đầu nếu bị kích thích nhiều trong lúc giao hợp thì có thể bị nhồi máu cơ tim lại hay bị đứng hoặc loạn tim. Tuy nhiên, họ không cần phải “đi tu”. Ðiều chính yếu là phải tránh cho quả tim đập quá nhanh trong những tháng đầu, và cần nhận biết những triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân cũng nên tránh những lo sợ, buồn giận vì những yếu tố tâm lý này sẽ kích thích tim của mình.
Nếu bạn có dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim nặng, tiếp tục đau hay đau lại sau khi đã bớt thì bác sĩ sẽ soi tim cho bạn. Nếu sau khi soi tim, bác sĩ tìm ra được nhiều mạch vành tim bị nghẽn thì có thể họ sẽ khuyên bạn nên đi mổ bypass hoặc làm thông tim (PTCA) hay đặt ống thông mạch máu. Có nhiều phương pháp điều trị khác tương tự như thông tim mà bác sĩ có thể dùng để trị cho bạn. Chi tiết về những phương pháp này đi ngoài phạm vi của bài này.
Nói tóm lại, bệnh nhồi máu cơ tim là một bệnh hiểm nghèo, có thể làm chết người bất thình lình, và cũng làm cho rất nhiều người bị yếu cơ tim nếu không bị chết trong những phút đầu. Nó cũng là một bệnh rất thông thường và là nguyên nhân làm chết nhiều người “số một” ở Mỹ và cả thế giới. Ðiều cần biết nhất về bệnh nhồi máu cơ tim là cần được chữa trị nhanh chóng trong những phút đầu, nếu muốn sống sót hay không bị yếu tim về sau. Bạn hãy liên lạc với bác sĩ chính ngay, nếu nghĩ rằng mình đang có những triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim. Nếu không liên lạc được với bác sĩ chính của mình trong vòng 30 phút thì hãy đi đến phòng cấp cứu của bệnh viện để được chữa trị nhanh chóng.