Tổng quát:
Sạn túi mật là một bệnh rất thông thường trên toàn thế giới với tỷ lệ 1 trong 1.000 người mắc phải bệnh này. Chúng ta không biết được con số chính xác vì đa số bệnh nhân có sạn mật thường không có triệu chứng gì cả. Theo thống kê, ở Hoa Kỳ hiện có khoảng 20 triệu người có sạn trong túi mật. Hàng năm có gần một triệu người phải nhập viện, gây tốn kém trên hai tỉ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Trái với nhiều người thường nghĩ chất mật không được tiết tạo từ túi mật mà chất mật được cấu tạo tiết ra từ gan và theo những ống mật đi vào túi mật. Túi mật là kho dự trữ mật. Khi ăn, túi mật sẽ co bóp và đưa chất mật đi vô ống dẫn mật chung. Sau đó, mật sẽ đi vô phần ruột non để tiêu hoá chất béo và chất đạm. (Hình 1) Những người mắc phải bệnh sạn túi mật thường là phái nữ, người Mỹ da đỏ, và những người trên 40 tuổi. Nói chung những yếu tố đưa đến bệnh này là lớn tuổi, phái nữ, bệnh tiểu đường, bệnh gan, mập phì, hoặc những bệnh nhân không còn ruột non để hấp thụ dinh dưỡng mà phải được nuôi bằng đường tĩnh mạch.
Tại sao bị sạn mật?
Sạn mật được chia làm hai loại, sạn mỡ cholesterol và sạn màu; trên 70% sạn mật là loại cholesterol và số còn lại là sạn màu. Một vài yếu tố tạo nên sự kết tụ và tạo thành sạn cholesterol là:
- Chất estrogen tiết ra trong thời gian dậy thì hoặc khi người phụ nữ dùng thuốc ngừa thai làm cho cholesterol và nước mật kết tụ thành sạn.
- Chất mỡ cao trong máu, thường xảy ra ở những người nặng ký, cũng là một yếu tố làm kết tụ sạn mật.
- Tất cả những yếu tố làm sự co bóp túi mật bất thường đều có thể đưa đến sự kết hợp của mật và chất cholesterol để tạo thành sạn. Một vài thí dụ là giảm cân quá nhanh, bệnh tiểu đường, hoặc sử dụng những thuốc trụ sinh.
Trong khi đó, sự phát triển loại sạn màu thì khác với loại sạn cholesterol. Sạn màu xảy ra trong những trường hợp bệnh nhân uống rượu nhiều, bị sơ gan, bị viêm tuỵ tạng, hoặc bị xuất huyết quá nặng.
Triệu chứng của bệnh sạn mật:
Bảy mươi phần trăm những người mắc bệnh sạn mật hầu như không có một triệu chứng gì cả và sự khám phá thường là bất ngờ vì một lý do gì đó. Những triệu chứng thường đôi khi rất là mơ hồ ví dụ như ăn không tiêu, ăn đầy bụng, ợ hơi nhiều, hoặc bụng khó chịu khi ăn chất mỡ thường không hẳn là triệu chứng của bị đau sạn mật. Ðau sạn mật hay bị sạn lọt vào trong ống mật thường làm cho bị đau bụng vô cùng. Sự đau đớn này xảy ra theo từng cơn và thường có những cơn đau nhức nhối hoặc đau ngầm ở bụng trên phía bên tay phải hoặc ở thượng vị. Ðôi khi những cơn đau sẽ phát ra sau lưng hoặc vùng bả vai bên phải. Những cơn đau thường tái phát luôn và tình trạng người bệnh tồi tệ hơn sau bữa ăn hoặc sau khi ăn phải những chất béo. Cơn đau thường kéo dài từ 30 phút cho đến vài giờ và đôi khi đi kèm với sự nôn mửa. Các cơn đau này có thể “chợt đến rồi đi”, có thể cách nhau khoảng vài tuần cho tới vài tháng có khi cả năm.
Những biện chứng có thể xảy ra như sạn mật làm viêm túi mật cấp tính, viêm ống dẫn mật chung và viêm tụy tạng. Nếu soi làm tắc nghẹn ống dẫn túi mật hoặc ống dẫn mật chung trong một thời gian lâu, bệnh nhân sẽ bị vàng da và viêm đường mật. Triệu chứng của viêm đường mật gồm có thể đi chung với sốt với rét run do vì nhiễm trùng. Thêm vào đó, nếu hòn sỏi nằm ở gần ống dẫn tiết của tụy tạng, nó sẽ làm cho ống này bị tắc nghẽn và gây ra viêm tuỵ tạng. Triệu chứng viêm túi mật cấp tính cũng giống như kể ở trên. Bệnh nhân sẽ bị sốt, rét run, đau bụng, buồn nôn và mửa. Trạng thái viêm có thể trầm trọng và đôi khi bệnh nhân cần phải nhập viện để được theo dõi và chữa trị.
Làm sao bị bệnh sạn mật?
Siêu âm túi mật là phương pháp tốt nhất để định đúng bệnh túi mật với một tỷ lệ chính xác trên chín mươi lăm phần trăm. Siêu âm cho tìm thấy sạn nhỏ độ 2mm đường kính. Thêm vào đó siêu âm cũng cho biết thêm về hình dáng của túi mật, ống dẫn mật chung, tụy tạng và gan. Những hình ảnh này sẽ giúp các bác sĩ điều trị chính xác và có hiệu quả hơn.
Cách chữa trị bệnh sạn mật:
Cách chữa sạn mật tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và biến chứng kèm theo. Nếu không có chữa trị và sạn mật được khám phá bất ngờ, thì ta không nên làm gì cả. 70% người bệnh có sạn túi mật ở trong trường hợp này, và chỉ có khoảng dưới 25% người có sạn mật là có thể bị đau vì sạn mật mà cần phải chữa trị. Nếu bệnh nhân có những cơn đau bụng hoặc biến chứng xaœy ra vì sạn mật, giải phẫu cắt túi mật là phương pháp cần phải làm để tránh những biến chứng nguy hiểm tới tánh mạng. Ngày xưa các bác sĩ cần phải mổ bụng để cắt túi mật. Nhưng từ năm 1987 đến nay, bác sĩ giải phẫu cắt túi mật bằng phương pháp soi bụng (laparoscopy). Phương pháp này có nhiều lợi điểm như vết sẹo nhỏ và bệnh nhân được xuất viện sớm hơn. Ðôi khi vì trở ngại kỹ thuật hoặc có biến chứng bất ngờ xảy ra, phương pháp mổ rạch bụng sẽ được dùng để cắt túi mật.
Cách điều trị sẽ thay đổi nếu bệnh nhân bị viêm tuỵ tạng hoặc viêm ống dẫn mật chung. Trong trường hợp này, sạn làm tắc ống dẫn mật chung cần phải lấy ra để tránh sự phát triển của biến chứng. Phương pháp soi và lấy sạn từ ống dẫn mật chung sẽ được các bác sĩ chuyên khoa bệnh tiêu hoá dùng từ đầu thập niên năm 1980. Bệnh nhân được nằm xấp trên bàn mổ, và sau khi được tiêm thuốc ngủ cho dễ chịu và thoải mái, bác sĩ tiêu hoá sẽ đặt ống soi mật vào trong mồm và đưa theo đường thực quản vào trong bụng và phần ruột non. Sau đó ống dẫn mật chung sẽ được soi và thuốc cản quang sẽ được bơm vô để xem vị trí của sạn và hình dáng của ống mật. Nếu cục sạn to, chỗ mổ vào ống dẫn mật chung cần phải cắt trước khi sạn được lấy ra. Ðôi khi vì sạn quá to, trước khi lấy ra cần phải làm vỡ sạn ra từng mảnh nhỏ bằng kỹ thuật nội soi. Thêm vào đó, bằng phương pháp nội soi này còn soi được cả ống tiết tụy tạng, đặt ống thông nếu ống mật hoặc ống tuỵ tạng bị tắc, và lấy tế bào của những ống này đi thử nghiệm khi bị nghi ngờ bệnh ung thư. Thời gian soi và lấy sạn từ ống mật mất khoảng một cho đến hai giờ đồng hồ với tỷ lệ thành công khoảng 80% cho đến 90% và bệnh nhân sẽ không cần phải mổ rạch bụng. Sau đó bác sĩ vẫn phải giải phẫu để lấy túi mật đi vì túi mật có sạn là nguồn gốc của bệnh.
Tóm lại, bệnh sạn túi mật thường không có triệu chứng, nhưng khi triệu chứng xảy ra, bệnh nhân cần phải được khám và chữa trị nhanh chóng để tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.