Người Việt Nam coi trọng vấn đề chết và lo an táng. Các người lớn tuổi lúc cảm thấy gần đất xa trời thì bao giờ cũng bận bịu suy nghĩ làm sao khi “đi” thì đi cho được “bình an”, lo lựa chọn đất đai, lo sửa soạn để có được mồ yên maœ đẹp. Người có dư dả thì muốn được đất rộng, đất tốt, được chôn nằm; còn không dư dả thì có thể phải chôn ngồi hoặc chôn đứng. Cụ thì muốn được hỏa thiêu và tro thì để các con giữ ở nhà tôn thờ. Cầu kỳ hơn thì mang về Việt Nam chôn. Cẩn thận hơn có cụ còn phải coi địa lý để chôn cho đúng hướng đúng long mạch chứ không thì có thể nguy hại cho con cháu về sau.

Dĩ nhiên “của thiên trả địa” chết là hết chuyện, hầu như ai cũng đồng ý như vậy. Tuy nhiên các cụ và đa số người Việt chúng ta quên mất hay không để ý rằng bên Mỹ chết không phải là chuyện dễ, đôi khi bị luật pháp thủ tục rườm rà không thua gì lúc làm giấy tờ nhập cảnh Hoa Kỳ vậy.

Về y khoa xứ Mỹ đứng hàng đầu trên thế giới. Hầu như bệnh gì các bác sĩ cũng tìm cách chữa cho được và kéo dài mạng sống dù đôi khi sự cố gắng kéo dài tính mạng của người bệnh nhưng tuyệt vọng làm cho các bệnh nhân bị đau đớn thêm. Thêm nữa bên Mỹ thì chỉ có “gió lành” không có gió độc. Nhà thì lúc nào cũng kín cổng cao tường, khi đi xe thì đóng kín gương vì xe có máy lạnh làm sao gió vô người được cho nên bác sĩ Mỹ và chính phủ không có chấp nhận chuyện “trúng gió” làm chết “bất đắc kỳ tử” như ở Việt Nam. Cho nên nếu người bị bệnh nặng hay chết bất thình lình mà không có lý do và không có di chúc sức khỏe, bác sĩ đôi khi phải làm đủ mọi cách để cứu bệnh nhân hay khảo cứu, mổ xác để coi sao bệnh nhân bị bệnh gì, thí dụ như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bị đầu độc làm bị triệu chứng và chết như vậy.

Ở Hoa Kỳ nhiều bệnh nhân bị bệnh nan y chờ chết, nhưng trước khi chết vẫn bị đưa vô nằm nhà thương đặt lên máy thở, bỏ ống dẫn tiểu, kim đặt trong mạch máu để truyền nước biển, bị giựt điện khi tim ngưng đập, bỏ ống ăn qua mũi vô trong bao tưœ để nuôi. Bệnh nhân thường có thể bị đau đớn, khổ sở vì các thủ thuật trên. Họ muốn chết đi cho rồi vì “chết là hết chuyện” không muốn sống dở chết dở như là tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong các chuyện kiếm hiệp. Khổ nỗi là tình trạng của bệnh nhân trong lúc này thường là bị hôn mê vì bệnh, vì thuốc, vì sức khỏe kiệt quệ cho nên họ không thể nói lên được nguyện vọng của mình là muốn được mất đi một cách thoải mái không đau đớn, hoặc có nói được thì bác sĩ nhà thương cũng không dám theo là vì họ sợ bệnh nhân quyết định khi không được sáng suốt vì trí óc bị hỗn độn vì bị bệnh và thuốc. Người trong gia đình thì lúc này thường bị hoang mang không dám làm một quyết định quan trọng về tính mạng của người thân yêu của mình như cha mẹ. “Bỏ thì thương vương thì tội”, thêm vào đó mỗi người một ý, người trong gia đình thường cãi nhau, đùn cho nhau. Rốt cuộc không dám đi đến quyết định gì cả vì không ai biết được ước nguyện của bệnh nhân như thế nào.

Ðây là một trở ngại lớn lao cho hệ thống y tế Hoa Kỳ. Thứ nhất là vì thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy mỗi năm phí tổn cho các bệnh nhân bị bệnh nan y, sắp chết trong vòng 30 ngày là cả tỷ bạc. Thêm vào đó, các bác sĩ, y tá và nhân viên cũng như các thân nhân bêänh nhân đều cảm thấy kéo dài sự đau khổ, đau đớn của bệnh nhân trong bệnh viện với các thủ thuật như đặt ống thở vô khí quản nối vô máy thở, giựt điện v.v… thử nghiệm lung tung trong những ngày cuối cùng của cuộc đời thay vì để bệnh nhân chết ở nhà với những người thương yêu chung quanh là một chuyện thiếu nhân đạo.

Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật liên bang là bệnh nhân tự quyết định (patient self-examination act) và riêng California có riêng luật tiểu bang tương tự như vậy. Luật này đòi hỏi các bác sĩ và bệnh viện phải cung cấp cho bệnh nhân các mẫu Di Chúc Trước về vấn đề y tế của mình trong trường hợp người bệnh bị lâm vào tình trạng bất lực không tự quyết định được. Trong các đạo luật này, các cá nhân sẽ làm giấy tờ để xác định ước muốn được săn sóc sức khỏe như thế nào trong mọi trường hợp cũng như chọn lựa người đại diện ủy quyền để đại diện mình nói lên ước vọng và quyết định trong trường hợp người bệnh bị bệnh nặng bất thình lình mà không thể nói lên quyết định của mình.

Dân bản xứ Hoa Kỳ tuy biết nhiều về đạo luật này nhưng cũng chỉ một số ít đã làm di chúc sẵn cho mình. Người Việt mình thì không những là không biết về đạo luật này, mà có thì cũng không bao giờ nói tới hay không muốn nói tới. Các cụ thường không nghĩ tới hay không biết chuyện y khoa và pháp lý sẽ xảy ra trong trường hợp bị trở bệnh nặng. Và nếu có nghĩ tới thì thường nghĩ rằng có chuyện gì thì sẽ có vợ hoặc chồng, hoặc con mình sẽ biết mình muốn gì mà quyết định lo cho mình. Tuy nhiên khi trong nhà thương, các cụ thường thì tiếng Anh không thông thạo lại thêm phần bối rối và sợ hãi khi thấy người phối ngẫu nằm trong giường bệnh bị nối vào các máy móc và dưới sự chăm sóc của một đạo binh y tá và bác sĩ thì thừ ra không dám tự chủ những quyết định cho người bệnh và phải nhờ vả vào các con. Con cái có thể ở xa không có mặt tại chỗ để quyết định và các con vì không nói chuyện với cha mẹ nên thật sự không biết gì về ý muốn của người bệnh như thế nào để quyết định cho đúng cho cha hay mẹ mình đang bị bệnh. Những thành viên trong gia đình rồi sẽ đẩy cho nhau hoặc cãi nhau và rốt cuộc người bệnh nằm trên giường bệnh chịu đau khổ vì không có giấy ủy quyền cho biết ai là người đại diện chính thức cho bệnh nhân. Bác sĩ và bệnh viện thường không dám ngưng lại các thủ thuật trị bệnh để kéo dài mạng sống, dẫu họ biết là các thủ thuật đó là vô vọng và làm cho người bệnh thêm đau đớn.

Sau đây là những câu chuyện thật oái ăm đã xảy ra cho những đồng bào Việt. Chuyện người con ở xa không thể tới thăm người mẹ bị bệnh hấp hối trên giường bệnh, nhưng qua điện thoại yêu cầu bác sĩ và bệnh viện phải làm đủ mọi cách để kéo dài mạng sống người bệnh không cần là bệnh nhân có muốn hay không và các thủ thuật làm cho bà ta đau đớn tuyệt vọng; hoặc chuyện một người bị bệnh ung thư gan nan y không muốn mổ hay chích thuốc mà chỉ muốn được ở nhà để mất bình yên với vợ và các con, nhưng “được” người con cả mang vô nhà thương Stanford để tìm cách “mổ gan” khi ông bắt đầu mê man. Người vợ không biết tiếng Anh bối rối không lên tiếng phản đối; chuyện một cựu bộ trưởng bộ giáo dục nổi tiếng tại Việt Nam bị tai biến mạch máu não, bị hôn mê phải nằm nhà thương mất cả tuần lễ và phải bỏ ống nuôi vào bao tử rồi cuối cùng cũng mất đi vài tuần sau đó. Ðây là những câu chuyện thật đáng buồn đã xảy ra. Ai trong chúng ta cũng có thể bị lâm vào các hoàn cảnh trên, bị đau bệnh bất thình lình làm cho không thể tự quyết định được mà lúc đó không hiểu mình để đại diện nói lên nguyện vọng của mình.

Tại California, Chỉ Thị Y Tế Ðịnh Sẵn (Advanced Health Care Directive) hướng dẫn giúp các bệnh nhân chỉ định người đại diện cho mình, cũng như điền trên giấy tờ các chỉ thị rõ ràng về y tế cho chính bản thân mình trong trường hợp mình bị bệnh sắp chết. Các bác sĩ, bệnh viện và người được uỷ quyền phải theo chỉ thị cho đúng luật pháp.
Sau đây là tóm tắt một số điểm chính trong Chỉ Thị Y Tế Ðịnh Sẵn (Advanced Health Care Directive) này như sau:

1. Ai có thể làm giấy di chúc y tế trước?

Tất cả những ai trên 18 tuổi mà hiểu biết minh mẫn có quyền quyết định đều có thể làm giấy di chúc y tế.

2. Ai có thể là người đại diện ủy quyền?

Quý vị có thể chỉ định bất cứ một người lớn nào trong nhà mà quý vị tin cậy sẽ tôn trọng theo chỉ thị trong di chúc y tế của bạn. Quý vị cũng có thể chọn thêm người sơ cua trong trường hợp người đại diện lúc đó không dám quyết định cho quý vị hay đi vắng khi bạn bị bệnh. Ðiều quan trọng là quý vị phải cho người đại diện ủy quyền biết rõ ràng ý muốn nguyện vọng của mình cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm này. Luật cấm quý vị lựa chọn những người sau đây làm đại diện ủy quyền cho mình gồm bác sĩ, hay nhân viên y tế lo cho sức khỏe của quý vị.

3. Quyền hạn của người đại diện ủy quyền như thế nào?

Trong trường hợp quý vị bị bệnh không thể quyết định cho sức khỏe mình được nữa, người đại diện ủy quyền có quyền pháp lý đại diện cho quý vị. Các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ theo sự yêu cầu và chỉ thị của người đại diện ủy quyền thay vì theo gia đình hoặc người thân của quý vị. Người đại diện ủy quyền có quyền cho phép hoặc từ chối các phương cách chữa trị, thủ thuật y khoa mà bác sĩ muốn làm cho người bệnh cũng như có quyền có được hồ sơ y khoa của người bệnh hoặc quyết định hiến tặng bộ phận cơ thể người bệnh hoặc yêu cầu làm khảo cứu xác người bệnh nếu người bệnh chết đi.

Nếu quý vị muốn giới hạn quyền quyết định hay muốn giúp người đại diện ủy quyền quyết định, quý vị có thể viết rõ ràng trên mẫu các chỉ thị mà quý vị muốn. Người đại diện ủy quyền sẽ không có quyền quyết định cho quý vị cho tới khi quý vị không còn hoàn toàn khả năng quyết định cho mình. Người đại diện ủy quyền sẽ phải theo các chỉ thị quý vị đã viết trên mẫu. Nếu không có các chỉ thị của quý vị, người đại diện ủy quyền sẽ quyết định cho quý vị dựa trên những gì họ suy nghĩ là quý vị muốn cho chính mình.

4. Nên viết gì trong Di Chúc Chỉ Thị hay nói gì với người đại diện ủy quyền hay người thân trong gia đình?

Quý vị nên nói với gia đình, người đại diện ủy quyền và bác sĩ gia đình về quan điểm và nguyện vọng của mình. Quý vị nên cho họ biết điều mong muốn cá nhân của mình về đời sống và sức khỏe của mình, nhấn mạnh về quan điểm quý vị như là có muốn để mình nối vào máy thở, giật điện, các thủ thuật mổ xẻ để kéo dài mạng sống của mình không, có muốn tiếp tục sống thở nhân tạo khi mình không còn biết gì cả, óc không còn làm việc; muốn những ngày cuối cùng của cuộc đời mình ở đâu và như thế nào. Cũng nên cho gia đình và người thân biết là quý vị đã điền mẫu đơn di chúc chỉ thị y tế và có người đại diện ủy quyền. Trong trường hợp quý vị bị trở bệnh, gia đình biết người đại diện ủy quyền là ai để đại diện cho quý vị và như vậy sẽ giúp gia đình bớt được gánh nặng và khổ tâm.

5. Người đại diện ủy quyền có phải chịu trách nhiệm về các phí tổn y tế của quý vị không?

Không, vì di chúc chỉ thị y tế trước nay chỉ liên quan đến vấn đề quyết định y tế cho quý vị chứ không liên quan gì đến tài chánh. Trừ trường hợp người đại diện ủy quyền này cũng là người đại diện tài chánh cho quý vị.

6. Quý vị làm gì sau khi đã điền mẫu đơn đó?

Quý vị phải ký mẫu đơn và điền ngày ký rõ ràng cũng như cần phải thị thực chữ ký (notarized) hay có hai người làm nhân chứng chữ ký của mình. Giữ một bản mà gia đình và người thân có thể tìm được dễ dàng. Ðưa một bản sao cho người đại diện ủy quyền người thay thế; một bản cho bác sĩ gia đình, cho người thân trong gia đình có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Khi nhập viện nhà thương bạn nên mang theo một bản đựng trong hồ sơ.

7. Quý vị có thể đổi ý sau khi điền mẫu đơn không?

Quý vị có thể hủy bỏ hay thay đổi các chỉ thị trong mẫu đơn bất cứ lúc nào. Bạn phải thông báo cho bác sĩ biết hay viết trên giấy nếu bạn muốn hủy bỏ hoàn toàn di chúc chỉ thị hoặc muốn thay đổi người đại diện ủy quyền. Bạn nên điền một mẫu đơn mới trong trường hợp này.
Người Việt chúng ta vì phong tục tập quán và bản tính dễ dãi “Trong nhờ đục chịu”, nên ngại ngùng hoặc vì không đủ can đảm nói chuyện về việc này, lúc nào cũng âm thầm hy vọng là gia đình hiểu biết mình và lo theo đúng ý mình hoặc cầu trời khẩn phật là nếu có bị đi thì lăn đùng ra đi không phải bị đau đớn gì cả. Các con có thể hiểu biết hơn nhưng không dám bàn thảo với cha mẹ hay ông bà sợ cho là trù ẻo, nói chuyện xui xẻo. Tuy nhiên nhập gia tùy tục, chúng ta ở Mỹ cũng nên phải lo tính chuyện theo luật của Mỹ. Tại sao các cụ có thể bàn về chuyện mồ mả, cách chôn, lo đóng hụi với hội Tương Tế mỗi tháng, hay nói chuyện về mua bảo hiểm nhân thọ để khi chết thì con cái có tiền lo ma chay chứ không phải như Chử Ðồng Tử cuốn áo chôn cha, hay văn minh hơn mà làm di chúc chia gia tài cho con cái thì tại sao không thể cởi mở và thức thời mà sẵn tiện bàn luôn chuyện làm giấy tờ Di Chúc Sức Khỏe của mình. Nếu không chẳng may mà bị bệnh lâm vào cảnh sống dở chết dở thì không những khổ cho thân mình mà còn khổ luôn cho cả người thân. Nên nhớ ở xứ Mỹ chưa chết là chưa hết chuyện!