ImageKhi bị đau bụng bệnh nhân thường nghĩ rằng là bị đau bao tử. Lý do là vì đau bao tử là bệnh thông thường nhất làm cho đau bụng. Ðau bụng thật ra có thể bị bởi nhiều bệnh khác nhau như sưng túi mật, sưng tụy tạng, ung thư gan, sưng ruột, v.v.. Ngay cả đau bao tử và đau ruột cũng có nhiều lý do, sưng hay lở bao tử, cuống ruột non, bệnh rối loạn tiêu hoá, bệnh hở, sưng thực quản. Tóm lại đau bao tử làm đau bụng nhưng đau bụng không đồng nghĩa là bị lở bao tử và ruột non. Trong bài này chúng ta nói về bệnh lở bao tử và cuống ruột non.

Cơ thể học bao tử

Bao tử hình bầu nằm bên trái bụng trên. Phần trên bao tử nối với thực quản và phần dưới nối vào cuống ruột non. Bao tử có dung tích khoảng hai lít. Bao tử là máy xay có nhiệm vụ làm cho đồ ăn nát và nhuyễn nhừ, nát bằng sự co thắt của các bắp thịt bao tử và chất acid tiết ra từ bao tử để giúp tiêu hoá đồ ăn. Thành của bao tử có một màng nhầy (mucus layer) tiết ra từ tế bào bao tử. Màng nhầy có nhiệm vụ ngăn cản không để chất acid thấm qua tới thành bao tử làm bao tử bị sưng hay lở. Màng nhầy này giống như lớp xi lớp keo lát trên sàn nhà sàn gỗ để nước, dầu không thấm qua làm hư sàn.

Bệnh sưng lở bao tử ruột non là gì?

Bệnh sưng lở bao tử hay ruột non xảy ra khi sự quân bình giữa chất acid trong bao tử tiết ra quá nhiều hay màng nhầy bảo vệ bao tử bị hư thì chất acid có thể thấm qua màng nhầy xuống thành bao tử hay cuống ruột non làm bao tử hay ruột non bị sưng. Nếu nặng hơn thì bao tử và ruột non bị lở.

Sưng bao tử và ruột non là thành bao tử và ruột non bị sưng đỏ lên giống như khi da chúng ta bị đỏ lên khi bị phỏng. Lở bao tử là thành bao tử bị nứt lở loét giống như khi miệng, tay bị lở hay bị đứt. Một trong những lý do thông thường gây ra bệnh sưng lở bao tử và cuống ruột non là bao tử bị nhiễm vi trùng xoắn Helicobacter Pylori, uống thuốc aspirin và các thuốc đau nhức loại NSAIDs như Motrin, Advil, Ibuprofen, Alleve, v.v.. Ðôi khi ung thư bao tử, tuỵ tạng cũng gây ra lở bao tử và cuống ruột non. Làm việc quá độ, lo lắng nhiều (stress), thiếu ăn thiếu ngủ không gây ra bệnh sưng lở bao tử và ruột non. Mặc dầu các điều này có thể làm cho triệu chứng bệnh đau bao tử ruột non khó chịu hơn. Ðồ ăn chua cay hay nhiều chất caffeine cũng không gây ra bệnh lở bao tử và cuống ruột non mặc dầu có thể làm cho bệnh nhân đang bị lở bao tử đau và khó chịu hơn.

Triệu chứng bệnh lở bao tử và cuống ruột non

Bệnh sưng lở bao tử và ruột non làm cho đau bụng, thường là ở phiá chấn thuỷ và bên trái phần bụng trên (vị trí của bao tử và ruột non trong bụng). Ðau bụng thường âm ỉ, cồn cào, nóng trong bụng như bị “chà ớt”. Bệnh xảy ra cách vài ngày hoặc vài tuần. Thường lúc bụng đói. Ðôi khi đau bụng lúc ban đêm làm bệnh nhân thức dậy vì đau. Bệnh nhân ăn hoặc uống sữa giúp giảm đau. Ðau bụng thường bớt, giảm đi với thức ăn hay uống thuốc Antacid (Maalox, Mylanta). Những triệu chứng khác kèm theo như biếng ăn, đầy hơi sình bụng, nhợn ói và đôi khi xuống ký. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đau bao tử và cuống ruột non là bị xuất huyết đường ruột. Bệnh nhân ói ra máu hoặc đi cầu ra máu, phân đen đôi khi có thể nguy hiểm tới tính mạng vì bị thiếu máu quá nhiều. Bệnh nhân có thể bị lủng bao tử hay ruột non chỗ bị lở. Trong trường hợp này bệnh nhân bị đau bụng khủng khiếp, nóng sốt. Chỗ lở sưng có thể làm sẹo làm bao tử hay ruột non bị nghẽn lại khiến cho bệnh nhân bị sình bụng, ăn uống không được, bị ói mửa và đồ ăn không tiêu bị ứ nghẽn.

Làm sao định bệnh sưng lở bao tử và ruột non?

ImageVì có nhiều bệnh khác nhau làm đau bụng, không chỉ có bệnh lở bao tử lở ruột, bác sĩ cần phải làm thử nghiệm để xác định bệnh lở bao tử và ruột non. Phương cách thông thường, chính xác và thông dụng nhất hiện nay là phương pháp nội soi bao tử và cuống ruột non (EGD). Bác sĩ dùng một ống cao su mềm có trang bị một máy ảnh và đèn ở đầu ống đường kính khoảng 1cm. Bác sĩ sẽ đưa ống vào miệng bệnh nhân qua thực quản để xuống bao tử và ruột non. Bệnh nhân được chích thuốc ngủ và an thần qua đường máu nên bệnh nhân thường không thấy đau đớn hay khó chịu gì cả. Phương cách nội soi thường mất khoảng 5-10 phút từ lúc đưa ống vào miệng tới lúc lấy ra. Trong khi nội soi bác sĩ có thể chụp hình, lấy mẫu sinh thiết để thử nghiệm, cấy trùng. Phương pháp rất là hiện dụng để bác sĩ có thể cầm máu nếu bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa. Phương cách khác là chụp hình bao tử và ruột non với huỳnh quang. Phương pháp chụp x-ray huỳnh quang không rõ bằng phương cách nội soi và không có thể làm sinh thiết để thử nghiệm.

Cách chữa bệnh sưng lở bao tử và ruột non

Trước đây bệnh nhân bị bệnh đau bao tử ruột non thường phải uống thuốc trị giảm axit trong bao tử lâu dài đôi khi quanh năm suốt tháng và phải ăn uống kiêng cữ. Hiện nay cách chữa trị đổi khác. Nếu bệnh nhân uống thuốc aspirin hay NSAIDS làm cho bị sưng lở bao tử ruột non thì họ phải ngưng các thuốc này. Các bác sĩ phải truy tầm coi bệnh nhân có bị nhiễm trùng H. Pylori hay không, nếu có thì họ phải được chữa bằng thuốc trụ sinh để diệt vi trùng này đi. Một khi bệnh nhân được chữa khỏi vi trùng, họ không hay ít khi bị bệnh sưng lở bao tử ruột non lại. Họ không phải uống thuốc trị đau bao tử cả đời cũng như không phải ăn khem kiêng cữ cho khổ thân. Các thuốc thông dụng trị đau bao tử loại nhẹ H2 blocker như Axid, Pepcid, Tagamet, Pepcid, Zantac; loại mạnh PPI như Aciphex, Nexium, Prilosec, Prevacid.

Bệnh sưng lở bao tử ruột non với vi trùng xoắn Helibacter Pylori

Nếu bệnh nhân bị sưng lở bao tử ruột non bác sĩ thường phải xác định bệnh nhân có bị nhiễm vi trùng H. Pylori không. Vi trùng này là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh lở bao tử ruột non. 70% bệnh nhân Á châu bị bệnh sưng lở bao tử ruột non có vi trùng này trong bao tử. Vi trùng truyền nhiễm qua đường ăn uống. Thường là trong gia đình khi ăn uống chung đồ ăn nên có thể bị nhiễm trùng làm cho nhiều người lầm tưởng sưng lở là do bệnh di truyền. Vi trùng này cũng tìm thấy trong nước miếng, cho nên có thể truyền nhiễm bệnh qua hôn hít. Vi trùng này làm hư màng nhầy tức ”lớp xi” bảo vệ thành bao tử, ruột non khiến cho chất acid có thể thấm xuống thành bao tử và ruột non làm bị sưng và lở. Vi trùng cần phải dứt triệt với thuốc trụ sinh thì bệnh sưng lở mới dứt hẳn được. Nếu không, bệnh nhân có thể bị bệnh đau bao tử tái đi tái lại sau khi chổ lở lành vì nếu vi trùng vẫn còn sống trong bao tử thì vi trùng có thể tiếp tục “ăn” thành bao tử cuống ruột non làm bị lở trở lại. Thêm vào đó vi trùng này làm bệnh ung thư bao tử. Ða số bệnh nhân bị ung thư bao tử bị nhiễm vi trùng này. Diệt trừ vi trùng H. Pylori trong bao tử giúp giảm nguy cơ bị ung thư bao tử. Có nhiều cách để thử nghiệm coi có bị nhiễm vi trùng này bằng thử máu, thử phân, thử hơi từ bao tử và cách chính xác nhất là cấy vi trùng qua sinh thiết bao tử lúc nội soi.

Bệnh lở bao tử ruột non với thuốc Aspirin và thuốc trị đau nhức NSAIDS

Thuốc Aspirin có công dụng giúp loãng máu, giảm rủi ro bị bệnh tim và tai biến mạch máu não. Thuốc trị đau nhức như Motrin, Advil, Ibuprofen, Alleve giúp trị đau nhức, thấp khớp, đau lưng rất là thịnh hành và phổ thông. Tuy nhiên cả hai loại thuốc này có phản ứng phụ làm sưng lở bao tử ruột non. Người càng lớn tuổi thì càng dễ đau xương, đau khớp, đau lưng nên phải dùng các loại thuốc này nhiều và người lớn tuổi thì dễ bị phản ứng phụ sưng lở bao tử vì các loại thuốc nàyï. Thống kê cho thấy 70% trên 65 tuổi dùng thuốc NSAIDS hay Aspirin khoảng 1-2 lần mỗi tuần. 20% những người dùng thuốc này có thể bị sưng bao tử ruột non vì thuốc. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có khoảng 107 ngàn bệnh nhân bị vào nhà thương và khoảng 16 ngàn người chết dùng thuốc NSAIDS. Tiền phí tổn y tế trị bệnh tiêu hoá do phản ứng phụ của thuốc làm sưng lở bao tử ruột non, làm xuất huyết đường tiêu hóa khoảng trên 2 tỷ dollars mỗi năm. Phản ứng phụ của thuốc Aspirin và NSAIDS tăng lên với lượng thuốc dùng mỗi ngày và dùng chung với các loại thuốc đau nhức khác. Thuốc Aspirin lượng 300mg mỗi ngày có tỷ lệ xuất huyết vì lở bao tử ruột non gấp đôi so với lượng Aspirin 81mg. Nếu dùng thuốc Aspirin cộng chung với thuốc NSAIDS thì rủi ro chảy máu đường tiêu hóa so với chỉ uống thuốc Aspirin không tăng lên gấp 5 lần. Bệnh nhân có vi trùng xoắn H. Pylori mà uống thuốc NSAIDS thì dễ bị lở bao tử ruột non gấp ba lần hơn so với người uống thuốc nhưng không có vi trùng H. Pylori.

Những bệnh nhân có tiểu sử bệnh lở bao tử ruột non nặng hay uống nhiều thuốc NSAIDS và Aspirin khác nhau cùng lúc, hay dùng thuốc NSAIDS độ lượng cao, dùng thuốc loãng máu khác như Coumadin, Plavix, dùng thuốc steroid, tuổi trên 60 thì rất dễ bị bệnh lở bao tử ruột non trầm trọng khi dùng thuốc NSAIDS hay Aspirin. Phản ứng phụ của thuốc Aspirin và NSAIDS làm lở bao tử ruột non xảy ra thường xuyên nhất là cho những người lớn tuổi vì tuổi lớn và phải dùng nhiều thuốc khác nhau. Cho nên những người lớn tuổi mà cần phải uống thuốc Aspirin hay NSAIDS thì nên để ý những điều sau đây để giúp làm tỷ lệ rủi ro.

• Dùng thuốc NSAIDS có tỷ lệ thấp của phản ứng phụ làm lở bao tử ruột non.

• Dùng lượng thuốc thấp vừa đủ để giúp trị bệnh đau nhức. Tránh dùng liều quá cao nếu không cần thiết.

• Tránh đừng dùng nhiều loại thuốc trị đau nhức NSAIDS cùng một lúc.

• Nếu bệnh nhân có tiểu sử bệnh lý bị bệnh lở bao tử ruột non cần được tìm có bị nhiễm vi trùng H. Pylori hay không. Nếu có, bệnh nhân phải chữa diệt vi trùng với thuốc trụ sinh trước khi bắt đầu dùng thuốc NSAIDS.

Hiện nay có một số thuốc trị lở bao tử ruột non như thuốc Nexium, Prevacid và thuốc Misoprostol được nghiên cứu cho thấy giúp làm giảm bớt rủi ro bị lở bao tử ruột non vì thuốc NSAIDS và thuốc Aspirin. Cho nên những bệnh nhân có nguy cơ bị lở bao tử ruột non vì thuốc NSAIDS hay thuốc Aspirin mà vẫn phải dùng các thuốc này vì bị đau nhức hay bị bệnh tim, bệnh mạch máu thì cần phải dùng chung các thuốc trị đau bao tử trên để giúp làm giảm bị phản ứng phụ lở loét chảy máu đường ruột. Hoặc có thể dùng thuốc NSAIDS loại đặc biệt như celebrex. Thuốc Celebrex có ít phản ứng phụ làm bị lở bao tử ruột non hơn nhiều so với loại NSAIDS thường. Tuy nhiên nếu dùng chung thuốc Celebrex với thuốc Aspirin thì phản ứng phụ của thuốc Celebrex tăng lên tương đương với các thuốc NSAIDS thường.

Bệnh lở bao tử ruột non và dinh dưỡng

Bao nhiêu năm qua bác sĩ khuyên bệnh nhân bị đau bao tử nên tránh các thức ăn chua như dưa chua, cam, chanh, thức ăn cay như ớt tỏi, bún bò Huế để khỏi bị bệnh bao tử hay bị đau nặng hơn. Các thức ăn trên không gây ra bệnh lở bao tử ruột non hay làm cho bệnh nặng hơn, chỗ lở to hơn. Các thức ăn trên cũng như cà phê có thể làm cho bệnh nhân đang bị lở sưng cảm thấy khó chịu nhưng không làm cho bệnh trở nặng hay tái phát nếu vết lở đã lành. Thuốc lá có thể kích thích chất acid ra nhiều hơn và làm màng nhầy yếu đi “bớt tốt” nên chỗ lở sưng chậm lành.

6 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here