HỎI: Tôi năm nay 47 tuổi, hoàn cảnh gia đình có thể gọi là hoàn hảo, tôi không có lý do gì để buồn phiền hay than vãn. Thế mà mấy tháng nay, cả chồng và con tôi đều thấy rằng tôi thay đổi tánh tình rất nhiều, như hay cáu gắt, hay khóc vô cớ. Tôi thì thấy lòng buồn vời vợi mà không hiểu tại sao. Bạn đồng nghiệp cũng nhận ra gương mặt buồn thảm của tôi. Tình trạng này mà kéo dài thì hạnh phúc gia đình của tôi sẽ bị đe dọa vì sức chịu đựng của chồng tôi có giới hạn. Xin bác sĩ cho biết tôi bị bịnh gì và tôi phải làm sao?
(một độc giả tại Virginia).


ÐÁP: Việc đầu tiên là bà cần tham khảo ý kiến với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ sản phụ khoa để tìm xem mình có phải đang trải qua giai đoạn tiền tắt kinh hay mãn kinh không. Ngoài những triệu chứng thể lý như nóng mặt, đổ mồ hôi đêm, nhức đầu, mất ngủ, giai đoạn tiền tắt kinh và mãn kinh còn có thể gây ra những triệu chứng giống với triệu chứng của bệnh trầm cảm như các triệu chứng bà tả ở trên. Một bệnh khác cần phân biệt với bệnh trầm cảm là bệnh suy tuyến giáp trạng. Bệnh suy tuyến giáp trạng với các triệu chứng thể lý như uể oải, chậm chạp, ngủ nhiều, lười biếng, mập phì, rất giống với triệu chứng thể lý của bệnh trầm cảm. Sau khi biết chắc là bà không có những bệnh kể trên, thì bệnh kế tiếp tôi có thể nghĩ tới, là bà mắc bệnh trầm cảm. Bệnh này có thể được trị rất hiệu nghiệm bằng thuốc. Bà sẽ không còn phải buồn rầu và khổ sở nữa.

HỎI: Em đang yêu một người và muốn tiến đến hôn nhân với người này. Tuy nhiên, điều khó khăn cho em bây giờ là anh ấy quá lệ thuộc vào mẹ của anh. Như nghi lễ đám cưới cứ phải theo ý bà. Em nghĩ là đám cưới như thế nào là do ý của hai em chứ, phải không cô? Em đã có một ước mơ về đám cưới của mình sẽ như thế nào từ ngày mới biết yêu, nhưng khi bàn với ảnh mới thấy ra rằng, ý em không quan trọng bằng ý của mẹ ảnh. Hễ điều gì khác với ý bà là ảnh khổ sở lắm và cố gắng thuyết phục em theo ý bà, rốt cuộc bây giờ em thấy cái đám cưới này là đám cưới của ai đó chứ không phải của em nữa. Ước mong bác sĩ là người vừa lớn vừa có quan niệm cởi mở, cho em biết ý kiến. Em có nên nhượng bộ không? Nếu phải nhượng bộ thì em sẽ khổ sở lắm, đến độ không muốn có đám cưới nữa là đằng khác.
(Thủy, San Jose)

ÐÁP: Ðám cưới là thử thách đầu tiên cho tương quan giữa hai vợ chồng đối với cha mẹ hai bên. Có ba trường hợp có thể xảy ra: 1. Hai vợ chồng sắp cưới thành công trong việc dung hòa các ý kiến khác biệt, nhượng bộ những điều có thể nhượng bộ, và giữ vững lập trường một cách hòa nhã những điều không thể nhượng bộ. Ðây là trường hợp lý tưởng báo hiệu một cuộc hôn nhân thành công trong tương lai. 2. Ðám cưới xảy ra trong sự ấm ức bất mãn của người lớn, trong sự giận hờn, căng thẳng giữa cô dâu và chú rể. Ðây là dấu hiệu cho thấy những mâu thuẫn trong tương lai của hai vợ chồng sẽ chịu một hoàn cảnh tương tự. 3. Một trong hai người, hay cả hai người, quyết định hủy bỏ không tiến đến hôn nhân nữa vì qua thử thách này, họ cảm thấy xa cách nhau và trở thành đối đầu với nhau, thay vì gần gũi và thông cảm với nhau hơn. Trong mọi trường hợp, hai vợ chồng tương lai cần phải sáng suốt phân biệt đâu là những dị biệt giữa hai người và đâu là những áp lực từ bên ngoài đưa tới. Giải quyết, dung hòa những dị biệt giữa nhau là điều đầu tiên cần làm, sau đó sẽ hợp tác với nhau để đối đầu với áp lực bên ngoài. “Ðồng vợ đồng chồng tát bể đông cũng cạn”. Ðiều làm em khổ sở và lo lắng bây giờ là em có một ông chồng không có lập trường, nên mới phải dùng ý kiến của mẹ, đặt em vào một cái thế phải đối đầu với mẹ chồng, là một cái thế em cần tránh. Tôi thấy em cần đặt lại vấn đề, và nhìn lại người chồng tương lai của mình. Có thật em đã hiểu rõ anh ấy chưa?