Hỏi:  Em năm nay 25 tuổi, em qua Mỹ cùng với mẹ và anh do ông bà ngoại bảo lãnh.  Theo lời mẹ em thì ba em bỏ mẹ để lập gia đình với một người đàn bà khác, nay có hai con gái, hiện ở Việt Nam.  Gia đình bên ngoại rất giận ba em, cấm em không được liên lạc.  Anh của em thì nghe lời.  Riêng em thì vẫn thư từ thăm hỏi ba em mặc dù mẹ em rất buồn và cho tới nay, bà vẫn còn khóc và nhắc lại những cách cư xử rất tệ bạc của ba.  Em thấy đời sống bên Mỹ này rất thoải mái và có đầy đủ phương tiện học hỏi, nên cũng muốn cho hai em gái cùng cha khác mẹ của em được hưởng, nhất là em lo sợ cho đời sống bất an của người con gái lớn lên ở Việt Nam.  Em có ý định muốn bảo lãnh cho ba qua.  Mẹ em không nói gì cả nhưng rất buồn.  Xin bác sĩ cho biết em nên làm sao?  Ba em không chịu đi một mình, nói là chỉ đi cùng với gia đình mà thôi.


Ðáp:  Cách suy nghĩ của em là cách suy nghĩ mà tôi muốn một bạn trẻ nên có, như một trong những hành trang vào đời.  Ðó là cách suy nghĩ độc lập, trong vai trò một người con, không vì “theo phe” mẹ hay ông bà ngoại mà quên rằng em còn có bổn phận với ba và tình thương cho hai em gái cùng cha khác mẹ.  Chuyện cha bạc đãi mẹ là chuyện riêng giữa hai người lớn với nhau.  Nếu cha thiếu bổn phận của cha thì đó là phần của cha, còn em, em vẫn làm những gì có thể được trong bổn phận làm con, và khi gặp khúc mắc thì em tham khảo ý kiến với người mà em tin tưởng.  Tôi nghĩ rằng em đã được đào tạo và dạy dỗ nên người mặc dù trong hoàn cảnh cha mẹ chia tay nhau.  Việc em liên lạc thăm hỏi và giúp đỡ gia đình của cha là điều nên làm, tuy nhiên, nếu tiến thêm một bước nữa là đưa cả gia đình của cha qua Mỹ là một công tác rất nặng nhọc, thuộc tầm vóc của một cơ quan thiện nguyện, quá khả năng của một cô gái 25 tuổi như em cho dù em có đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm vững chắc.  Hơn nữa, tôi không nghe nói là cha em và gia đình muốn qua Mỹ, mà hình như đây chỉ là lòng tốt của em mà thôi.  Rất có thể cha và hai em gái của em dù nghèo nhưng đang hạnh phúc trong cảnh gia đình đoàn tụ.  Làm một công tác lớn lao như vậy, lại không được sự hỗ trợ của anh, của ông bà ngoại, và nhất là, lại dẫm lên nỗi buồn của mẹ, tôi nghĩ, em không nên làm.  Em không nên làm cho mẹ buồn hơn nữa.  Cách dung hòa hay nhất là em dành dụm gởi tiền về lo cho hai em gái ăn học và mua sắm cho đầy đủ, và dành thì giờ giúp cho mẹ vui sống và nguôi ngoai nỗi buồn.

HỎI:  Cách đây nhiều năm, tôi yêu một người đàn ông đã có vợ và con trai ở Việt Nam.  Khi vợ và con anh sang đoàn tụ thì chúng tôi chia tay nhau.  Tôi lập gia đình với người đàn ông khác và có một người con gái.  Gần đây, định mệnh trớ trêu xui khiến con trai anh và con gái tôi gặp nhau và yêu nhau.  Tôi biết ra khi con gái tôi đưa hình gia đình bạn trai của cháu cho tôi xem.  Câu hỏi của tôi là tình yêu hai cháu như vậy có là tình yêu loạn luân không, và, tôi có nên nói cho con gái tôi biết chuyện ngày xưa không.

ÐÁP:  Tình yêu hai cháu không phải là loạn luân vì hai cháu không có liên hệ huyết thống.  Có nên nói cho con gái (và con gái sẽ nói cho bạn trai của mình) biết chuyện người lớn ngày xưa không là một câu hỏi rất quan trọng vì nó có tính cách “bứt dây động rừng” mà hậu quả có thể vô cùng tai hại, ảnh hưởng lên hạnh phúc của hai đôi lứa (của vợ chồng người đàn ông kia và của đôi trẻ).  Bà không biết là vợ của ông ấy có biết chuyện của bà và ông ngày xưa không, và thái độ của bà ấy như thế nào.  Nếu bà ấy có thái độ quyết liệt ngăn cản hai cháu tiến xa hơn (vì ghen tuông) thì rất tội nghiệp cho hai cháu.  Do đó, tôi nghĩ bà nên thận trọng và chờ đợi thời gian, khi có cơ hội để bàn với người đàn ông kia một cách cư xử thống nhất, mà không nên quyết định đơn phương, nếu hai cháu tính chuyện lâu dài.  Còn nếu hai cháu không tiến tới thì không có gì để phải nói cả.