CÂU HỎI:
Chồng em nói dối là đi China, nhưng thật ra là về Việt Nam chơi. Khi trở về, anh thú thật và xin lỗi em, hứa là sẽ không đi nữa. Anh nói là nếu nói thật sợ em không cho đi, và những liên hệ giữa anh với những người đàn bà ở Việt Nam là chỉ để vui chơi qua đường mà thôi. Em thấy buồn vô cùng, không biết phải làm sao. Em có nên tha thứ không?
ÐÁP:
Tôi tự hỏi là tại sao anh đã nói dối mà không dấu cho trót, lại còn thú nhận? Có 3 trường hợp: một là không dấu được nên phải thú nhận (em tìm ra được những chứng cớ và những dấu hiệu không thể chối cãi); hai là anh đã có một liên hệ nghiêm chỉnh nào đó với người ở Việt Nam, nên thú nhận trước để chuẩn bị tinh thần cho em và dọn đường cho việc đem liên hệ này ra ánh sáng, vì biết rằng rất khó dấu nếu có liên hệ lâu dài; và ba là anh cảm thấy tội lỗi và lương tâm cắn rứt nên thú nhận để trút gánh nặng cho em. Cho dù chồng em thuộc trường hợp nào đi nữa, thì không có gì để bảo đảm là anh sẽ không tái phạm. Anh đã có thể vượt qua cái biên giới đầu tiên là dối gạt và phản bội vợ mình, thì cơ hội anh tái phạm sẽ rất cao, với lập luận là bề gì đã làm một lần, thì lần nữa cũng đâu có sao, miễn là không thiếu sót bổn phận thì thôi (nhiều người hay dùng lập luận này để biện minh cho việc ăn chơi của mình). Do đó, trước khi quyết định có tha thứ hay không, em cần tìm hiểu anh thuộc vào trường hợp nào. Muốn tìm hiểu có phải là trường hợp thứ hai hay không (lập phòng nhì và có cơ nguy bỏ vợ), cần thời gian và sự điều tra. Sự điều tra đòi hỏi anh phải khai báo cặn kẽ đi đâu, làm gì, quen biết ai, cũng như cho phép em xem xét thơ từ, email, bill điện thoại, việc xài tiền v.v… Thái độ hợp tác (hay không hợp tác) của anh cũng phần nào cho biết anh có thật tâm muốn chấm dứt hành động này không. Có một điều chắc chắn, từ nay trở đi, em không nên cho anh đi xa một mình nữa, và anh phải bằng lòng điều này. Anh đã nói dối nên không có quyền đòi hỏi sự tin tưởng nơi em nữa.
CÂU HỎI:
Em là người đàn bà đã có hai con riêng, quen với anh bạn này khoảng trên 30 tuổi, chưa hề lập gia đình và hiện còn sống với mẹ. Mặc dù thương yêu nhau đã gần năm năm, em và anh vẫn chưa tiến đến hôn nhân được vì mẹ anh và cả gia đình bên anh đều hết sức cản ngăn. Thậm chí mẹ anh còn gác điện thoại và không cho em nói chuyện với anh, nhất là những lúc anh đau ốm. Như vậy, anh này có yêu em chân thật không và em có nên chờ đợi không. Theo em biết thì anh chỉ có em mà thôi và không quen biết ai khác.
ÐÁP:
Anh này yêu em thật lòng hay không thì tôi không có đủ dữ kiện để phán xét, nhưng dù có yêu em thật đi nữa, rõ ràng anh ta là một người thanh niên không có cá tính và không có bản lãnh, nên không vượt qua được những áp lực gia đình. Do đó cũng không phải là người em có thể trông cậy và chờ đợi mong tiến đến đời sống lứa đôi. Người đàn bà thường tự dỗ dành mình bằng lập luận là “tuy ảnh thụ động nhưng ảnh cũng đâu có yêu ai khác đâu”. Nhiều người đàn bà an phận với ý nghĩ là miễn người đàn ông chung thủy với mình thì sao mình cũng chịu. Em có thể có thêm mặc cảm là đã có hai con riêng nên em lại càng dễ chấp nhận những khuyết điểm của anh, và cho rằng vì mẹ anh mà anh không tiến đến với em được. Tôi thấy một thanh niên 30 tuổi, còn ở chung với mẹ và để mẹ can thiệp quá đáng vào đời tư của mình, là một thanh niên chưa thể tự lo cho mình, nói chi đến việc lo cho người vợ và gia đình tương lai? Do đó, câu trả lời của tôi là em vừa chờ vừa không chờ, nghĩa là vẫn giữ sự liên lạc và để cho anh ta đóng vai trò chủ động trong việc đến với em. Trong khi đó, vẫn mở rộng sự giao thiệp cho một liên hệ mới tốt đẹp hơn.