Theo các thống kê, rượu là một trong những thức uống phổ thông được sử dụng nhiều nhất tại Hoa Kỳ. Rượu cũng là nguyên do chính gây ra các vụ tai nạn tử thương hoặc thương tích trầm trọng hay những bệnh tật hiểm nghèo hơn các sản phẩm khác. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 18.000 người thiệt mạng và hơn 300.000 người bị thương trong các tai nạn xe cộ có liên quan đến việc uống rượu hoặc uống bia.
Hậu quả tai hại của rượu không chỉ là người nghiện sẽ chết vì rượu, mà với sự phát minh và tiến triển khoa học về xe cộ, rượu trở nên một độc chất nguy hiểm và xe trở thành một vũ khí giết người vào lúc người tài xế lên xe cầm tay lái. Ðặc biệt tại Hoa Kỳ, một xã hội mà việc lái xe coi như không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày và xe được ví như đôi chân, “rượu-xe” trở nên cặp bài trùng đả thương hoặc giết người không nương tay.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nếu quyết định vẫn lái xe và vẫn uống rượu, chúng ta nên sửa soạn “áo giáp” phòng thân và “đạn dược” phòng thủ để tránh bị cảnh sát bắt về tội say rượu lái xe, vì một khi ông cò đã chặn lại hỏi thăm sức khỏe, cơ may được thoát khỏi bị còng và ngủ khám rất là hiếm. Dĩ nhiên, bất cứ ai trong chúng ta đều “KHÔNG NÊN LÁI XE KHI UỐNG RƯỢU”. Tuy nhiên, có đôi lúc chúng ta không say nhưng vẫn bị chặn bắt, hoặc bị bắt oan do ngoại cảnh run rủi đưa đẩy.
Trong loạt bài này, chúng tôi xin trình bày những “mẹo vặt” giúp giảm thiểu phần nào rủi ro bị cảnh sát bắt giữ vì vi phạm luật cấm lái xe say rượu, cũng như những hậu quả tai hại do việc say rượu lái xe gây nên.
CHỈ ÐỊNH TÀI XẾ
Trong các đình đám, tiệc tùng, hầu như ai cũng biết trước mình sẽ uống rượu hay không. Do đó, nên chọn người không biết hoặc không thích uống rượu trong nhóm làm tài xế và sắp xếp để người đó đưa đón tất cả mọi người. Nếu vì lý do gì phải hẹn nhau đến nhà tài xế, người được vinh dự “bầu” làm tài xế nên sửa soạn phòng trống để bạn bè, nếu cần, có thể ngủ qua đêm. Họ cũng nên biết địa chỉ của tất cả mọi người để có thể đưa về nhà.
Trong trường hợp mọi người trong nhóm đều là “tay chơi”, nên bàn tính việc đi chung taxi hay các phương tiện di chuyển công cộng, hoặc nếu có con lớn, thu xếp cho con đến đón khi tiệc tàn. Một phương cách khác là điện thoại giữ chỗ trước tại khách sạn gần nơi vui chơi, vì phí vài trăm cho khách sạn còn hơn trả vài ngàn cho tòa và luật sư, chưa kể lý lịch được khắc ghi trong “sổ bìa đen”.
“HÀNH TRANG LÊN ÐƯỜNG”
Thí dụ: Trong các nhân viên làm việc tại hãng “Dare”, Hùng được mệnh danh là “Anh Hùng mình đồng da sắt”. Mặc dù các anh em bạn thường tổ chức nhậu nhẹt với nhau vào những ngày cuối tuần, họ thường cắt đặt để tránh những trường hợp không vui xảy ra khi phải lái xe về nhà lúc quá chén.
Riêng Hùng thì khác! Ðối với anh, bàn tính làm chi cho mệt. Suy nghĩ nhiều không có lợi mà chỉ già người, bạc đầu ra. Phương châm của anh là “Thà chết còn hơn ở nhà nhậu một mình”. Anh thường nói với bạn bè rằng “Sống mà không nhậu nhẹt thì chết sướng hơn!” Cũng chính vì lý do đó mà Hùng từng vào tù ra khám về tội lái xe say rượu.
Ðể giảm bớt phần nào rủi ro bị cảnh sát “chiếu tướng” về lái xe say rượu, các “hào kiệt liệt lẫm”, như Hùng trong thí dụ nêu trên, nên mang theo các “vũ khí đạn dược” sau đây làm hành trang lên đường:
- Tiền lẻ: Nếu phải gọi điện thoại cho luật sư, cơ quan chuyên đảm trách tiền thế chân, họ hàng, bạn bè, tiền cắc “lỉnh kỉnh” trong túi sẽ giúp ích đắc lực trong trường hợp bị bắt.
- Thuốc nhỏ mắt: Nên mang theo một lọ thuốc nhỏ mắt như “Visine”, “Clear Eyes”, hay bất cứ loại thuốc nào trị mắt đỏ. Trước khi bắt đầu lái xe về nhà, sau khi uống rượu hoặc bia, nhỏ thuốc ngập cả hai mắt cho bớt đỏ, vì cảnh sát thường viết trong biên bản là mắt của nghi can “đỏ ngầu”, dấu hiệu say rượu. Trong trường hợp không có thuốc nhỏ mắt, cố gắng làm sao để có thể khóc “dàn dụa nước mắt”, dù là “nước mắt cá sấu”, vào lúc bị cảnh sát chớp đèn, ví dụ nhớ đến một câu chuyện thương tâm nào đó đã đọc trong quá khứ. Nếu vẫn không khóc được, hãy nghĩ đến tiền tòa phạt, lệ phí luật sư, tiền bảo hiểm tăng, bằng lái bị treo, và trăm ngàn rắc rối khác, kể cả câu chuyện tình … dở dang, để buộc tuyến hầu mắt làm việc.
- Ðồ ăn tráng miệng: Mang theo một số loại đồ ăn có “peanut butter” như kẹo chô-cô-la “Reese Cups”, hoặc bánh “peanut butter crackers”, vì “peanut butter” có thể nén đi phần nào hơi rượu trong người. Ngoài ra, nhai một miếng hành cũng giảm bớt mùi rượu.
Sau khi tráng miệng bằng các loại thức ăn này, chịu khó nhai 4 hay 5 miếng kẹo cao su. Những loại kẹo có hương vị cay như quế có tác dụng nén hơi rượu hữu hiệu hơn loại mùi trái cây. Nếu bạn có khuynh hướng thích dùng các loại thuốc xịt miệng, cẩn thận đọc kỹ nhãn hiệu trước khi mua vì phần lớn đều có chứa alcohol, và việc sử dụng này sẽ làm tăng thêm nồng độ rượu trong người.Lý do chúng ta nên làm giảm hoặc ém nhẹm hơi rượu vì điều đầu tiên mà cảnh sát thường dựa vào để bắt giữ là họ ngửi thấy mùi rượu hay bia qua hơi thở của nghi can. Ngoài ra, nếu không nồng hơi rượu, cảnh sát ít khi để ý nghi ngờ và điều tra thêm. Tội ở đây không phải là cá nhân đó “nặc” mùi rượu bia, mà là việc uống bia rượu làm giảm đi hoặc ngăn trở khả năng lái xe của tài xế và do đó dễ gây ra tai nạn thương tích cho những người khác. - Giấy tờ căn bản: Bỏ giấy đăng ký xe, bằng chứng bảo hiểm, và những giấy tờ cần thiết khác vào một phong bì trong xe. Riêng bằng lái xe nên bỏ trong ví, ngăn ngoài cùng để có thể rút ra dễ dàng. Các cảnh sát thường khai trước tòa rằng bị can say rượu đến nỗi không biết bằng lái xe ở đâu, và nếu có biết, phải loay hoay mò mẫm mất mấy phút mới có thể trình bằng lái ra được.
- Dọn dẹp xe: Thu dọn tất cả các rác lặt vặt trong xe, nhất là những tang chứng “hết đường chối cãi” như vỏ bia, chai rượu không, giấy cuộn thuốc, tàn thuốc sì-ke, v.v…, để tránh “Thưa ông, tôi ở bụi này!” Các tang chứng này sẽ là bàn đạp đẩy mau đến việc ông tòa gõ búa tuyên án kết tội. Không gì lôi cuốn, mời mọc cảnh sát cho bằng chỉ đứng gần xe mà đã ngửi thấy mùi rượu bia hoặc mùi khói sì-ke.Ngoài ra, sửa chữa các thiệt hại của xe để tránh sự “dòm ngó” của cảnh sát như bánh xe mòn, cửa kiếng nứt, đèn xe không sáng, kiếng dán đen, v.v…. Tránh lái các loại xe kè sát xuống đường (low riders) hay nhổng tuốt lên trời (high riders).
ĂN … ĂN … ĂN TRƯỚC KHI UỐNG
Trong hầu hết những vụ say rượu lái xe, các tài xế thường không ăn gì hoặc ăn rất ít trước khi uống rượu. Các cuộc nghiên cứu khoa học cho biết thức ăn có nhiều chất carbohydrate như cơm, bánh mì, khoai, v.v…, không những sẽ làm giảm mức độ rượu trong máu mà còn kéo dài thời gian trước khi người uống bắt đầu say.
Do đó, nếu muốn tránh bị say, người uống nên ăn thật nhiều các thức ăn có chất carbohydrate khoảng 1 tiếng trước khi uống, và tiếp tục “nhậu lai rai” trong khi uống để có đồ ăn hút rượu vào trong bao tử và ruột thay vì đẩy ra máu. Một người khi uống rượu lúc bụng đói sẽ say nhanh gấp 2 lần lúc bụng no. Ngoài ra, phái nữ có khuynh hướng say mau hơn vì họ thường để ý quan tâm về sức nặng, “sợ” lên cân hơn phái nam, và do đó không dám ăn nhiều.
Cách an toàn nhất để không bị bắt về tội say rượu lái xe vẫn là không uống rượu bia khi phải lái xe, hoặc không lái xe khi đã uống, dù chỉ một ly nhỏ. Nếu “bất đắc dĩ” phải uống, nên uống cầm chừng và chậm. Sau cùng, nên ăn đúng thức ăn và ăn thật nhiều trước khi uống.
TRONG KHI UỐNG
Rượu và bia ảnh hưởng mỗi người một khác dựa trên nhiều yếu tố như tuổi tác, phái tính, mập ốm, cơ thể mỗi người, có nghiện hay không, v.v… Các cuộc nghiên cứu y tế và thống kê khoa học cho biết yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất là số lượng nước trong cơ thể mỗi người. Nói một cách tổng quát, người già chứa ít nước trong cơ thể hơn người trẻ, người gầy chứa nhiều nước hơn người mập, và phái nam có nhiều nước hơn phái nữ. Ngoài ra, người nghiện rượu hoặc thường uống rượu khó bị say hơn người bình thường.
Có ba bí quyết rất dễ thực hiện, bổ ích, mà lại công hiệu giúp người uống tránh bị say. Ðó là:
1. Ăn nhiều: Như chúng tôi đã trình bày, tiêu thụ các thức ăn có nhiều chất carbohydrate trước và trong khi uống sẽ giúp hấp thụ và “tẩu tán” một số rượu qua hệ thống tiêu hóa của cơ thể, thay vì pha vào máu.
2. Uống nước nhiều: Uống nước lọc thật nhiều trước và trong khi uống rượu có lợi điểm như sau:
a. Nếu chẳng may bị ông cò “hỏi thăm” và bắt thử nước tiểu để đo số lượng rượu trong người, kết quả sẽ thấp hơn là thử bằng máu hay bằng hơi thở.
b. Uống nước nhiều sẽ giảm sự khát, làm no bụng, và do đó, “cơn thèm” uống rượu sẽ giảm theo.
c. Nước sẽ giảm các triệu chứng sau khi hết say, như nhức đầu, khô cổ, vì nó cung cấp nước cho các tế bào bị thiếu hụt do rượu hút mất.
d. Nước sẽ giúp bài trừ những gì đã được tiêu thụ và do đó đòi hỏi người uống phải đi tiểu thường xuyên. Nếu cảm thấy choáng váng hay ngả nghiêng trong lúc đi tiểu, đó là dấu hiệu cảnh cáo cho biết không nên lái xe.
3. Uống rượu theo sức nặng: Tại tiểu bang California, phần trăm rượu trong máu hợp luật là dưới 0,08% hay dưới 0,01% nếu chưa được 21 tuổi. Do đó, nếu một người tuy không say nhưng có nồng độ rượu trong máu từ 0,08% trở lên, cảnh sát có quyền bắt giam về tội say rượu lái xe. Tuy nhiên, trong trường hợp mức độ rượu trong máu dưới 0,08% nhưng đã say, cảnh sát vẫn có quyền bắt giam như thường.
Chúng tôi xin trình bày một cách tổng quát các con số tiêu biểu như sau: trung bình 1,25 oz. rượu mạnh tương đương với 4 oz. rượu vang hoặc 12 oz. bia (1 chai hay 1 lon). Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, một người cân nặng 100 lbs. chỉ cần uống 2 chai bia là nồng độ rượu trong máu đã quá mức luật định; 3 chai đối với người 140 lbs.; 4 chai đối với người 200 lbs.; 5 chai đối với người 240 lbs.. Ngoài ra, cơ thể một người bình thường cần khoảng 1 tiếng đồng hồ sau khi uống để “tiêu thụ” hoàn toàn 1 chai bia.
SAU KHI UỐNG
Khi quyết định lái xe về nhà, bạn nên “nghỉ xả hơi” ít nhất 2 tiếng trước đó. Trong thời gian này, cố gắng uống nước lọc càng nhiều càng tốt. Như chúng tôi đã trình bày, nước sẽ lọc thận, cung cấp nước đến những tế bào “hạn hán”, và nhất là sẽ giảm mức độ rượu trong người nếu phải thử nước tiểu. Ngoài ra, cầm ly nước sẽ bận bịu tay chân để không còn tay cầm ly rượu.
Một phương cách để biết xem “người say hay ta tỉnh” là duyệt qua một vài “bài thi” phổ thông sẽ phải trả nếu bị cảnh sát chận giữ.
Bài thi số 1: Nhờ người bạn cầm một vật nào đó, ví dụ như cây viết, và giơ trước mặt bạn. Khi họ di chuyển cây viết sang bên trái và bên phải, bạn nhìn theo hướng cây viết bằng mắt mà thôi và không được quay cổ theo.
Bài thi số 2: Ðứng thẳng với 2 tay buông thỏng hai bên. Nhấc một chân lên và đứng bằng một chân khoảng 30 giây mà không mất thăng bằng. Lập lại với chân bên kia.
Bài thi số 3: Vẽ một đường thẳng và vừa đếm vừa đi lên 9 bước với gót chân này đụng sát vào đầu ngón chân kia. Hai chân phải luôn luôn nằm trên lằn vẽ. Sau đó, để một chân làm điểm tựa và dùng chân kia xoay người lại để đi trở về mốc khởi hành.
Những ai “rớt” thì nên khuyên hoặc bắt họ ngủ lại, kêu taxi, mướn khách sạn, v.v… Tuy nhiên, cách an toàn nhất vẫn là “ÐÃ UỐNG THÌ KHÔNG LÁI; ÐÃ LÁI THÌ KHÔNG UỐNG”, vì rượu và xe được ví như lửa với xăng, nếu hòa với nhau thì hậu quả khó có thể lường được. Hơn nữa, nếu đang bị “sao quả tạ” chiếu, hoặc “năm tuổi” thì lại càng có lý do nên cẩn thận!
LÁI XE VỀ NHÀ
Trong hầu hết những vụ truy tố về tội say rượu lái xe, các cảnh sát thường khai lý do chận giữ là vì tài xế lái xe lạng qua lạng lại. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vụ cảnh sát hú còi chận lại vì xe không ở trong tình trạng hoàn hảo hoặc có những đặc điểm kỳ dị, bất thường, và sau khi chận lại, họ mới nghi rằng tài xế có thể say rượu.
Sau đây là những điều tài xế nên để ý khi lái xe:
1. Nếu còn lái xe ngoài đường trong khoảng từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, điều này đủ làm cảnh sát nghi rằng tài xế đã uống rượu, vì 90% các vụ bắt giữ lái xe say rượu xảy ra trong khoảng thời gian này.
2. Ðừng để bất cứ lon bia, chai rượu nào trong xe, cho dù còn hay hết.
3. Cài giây nịt an toàn, cả tài xế lẫn hành khách.
4. Không nên chở quá nhiều người trong xe.
5. Không nên hò hét, hát hỏng trong xe.
6. Bật đèn nhưng nhớ đừng bật đèn pha.
7. Luôn luôn mở đèn “signal” khi quẹo hay đổi “lane”.
8. Ngừng xe hoàn toàn, không lăn bánh tại bảng “stop” hay đèn đỏ.
9. Ðừng bám sát xe đằng trước.
10. Không nên chạy chậm quá 10 miles dưới tốc độ ấn định.
11. Không chạy nhanh quá tốc độ ấn định. Ðây cũng là một trong những lý do hàng đầu khi cảnh sát quyết định chận giữ.
12. Khi quẹo, tránh quẹo quá rộng hay quá chật.
13. Tránh lạng qua lạng lại, cán lằn vàng, hoặc lấn qua “lane” bên cạnh.
14. Khi ngừng xe tại bảng “stop” hay đèn đỏ, đừng cán qua lằn dành cho người đi bộ.
15. Tránh lái xe như đang đua, vọt nhanh, thắng gấp.
16. Sau cùng, tưởng tượng như bạn đang thi lấy bằng lái và người giám khảo ngồi bên cạnh chấm điểm là cảnh sát.
Ngoài ra, đừng quên sử dụng những “chiêu hỏa mù” mà chúng tôi đã trình bày trong phần “Hành trang lên đường” như nhỏ mắt, ăn kẹo hoặc bánh có “peanut butter”, cắn miếng hành, nhai kẹo cao su có chất cay, v.v….
KHÁI NIỆM VỀ LUẬT SAY RƯỢU LÁI XE
California là một trong những tiểu bang trừng phạt tội say rượu lái xe nghiêm khắc nhất Hoa Kỳ. Các bộ luật và hình phạt liên quan đến vấn đề này rất phức tạp và khác nhau theo từng địa phương. Chúng tôi xin được trình bày một vài khái niệm tổng quát về luật say rượu lái xe như sau:
Khi một người bị chận giữ vì nghi ngờ lái xe say rượu, cảnh sát sẽ yêu cầu tài xế làm một số “bài thi động tác” ngay tại chỗ để xem người đó có say rượu hoặc say thuốc hay không. Nếu tài xế có thái độ và dấu hiệu say rượu hoặc không “trả bài” trôi chảy, cảnh sát sẽ tiến hành thủ tục bắt giam. Sau đó tại ty cảnh sát hay nhà tù, họ sẽ yêu cầu bị can qua một cuộc thử nghiệm hóa học để đo lường mức độ rượu trong máu, như lấy máu, hơi thở, hoặc nước tiểu. Nếu bị can trên 21 tuổi và từ chối hoặc không hoàn tất cuộc thử nghiệm, DMV sẽ treo hoặc thâu hồi bằng lái của tài xế tùy từng trường hợp:
• Say rượu lần thứ nhất: bằng lái bị treo 1 năm.
• Say rượu lần thứ hai trong vòng 7 năm: bằng lái bị thâu hồi 2 năm.
• Say rượu 3 lần hoặc hơn trong 7 năm: bằng lái bị thâu hồi 3 năm.
Nếu bị can đồng ý cho cảnh sát làm thử nghiệm và kết quả cho biết mức độ rượu trong máu từ 0,08% trở lên, bằng lái sẽ bị treo 4 tháng cho lần say rượu đầu tiên, và 1 năm nếu say rượu quá 2 lần trong 7 năm.
Ðối với các bị can dưới 21 tuổi, nếu họ từ chối, hoặc không hoàn tất cuộc thử nghiệm, hoặc đồng ý thử nghiệm nhưng kết quả mức độ rượu trong máu từ 0,01% trở lên, bằng lái họ tự động bị treo 1 năm.
Khi mức độ rượu trong máu từ 0,08% trở lên, cảnh sát sẽ tịch thu bằng lái của tài xế ngay lập tức. Tuy nhiên, họ sẽ cung cấp một bằng lái tạm trong 30 ngày để người bị bắt có thể kháng cáo việc treo hoặc thâu hồi bằng lái lên DMV. Nếu muốn có một buổi điều trần kháng cáo về việc treo bằng lái, tài xế đó phải liên lạc với DMV và yêu cầu trong vòng 30 ngày từ ngày nhận bằng lái tạm. Thông thường, buổi điều trần được diễn ra qua điện thoại, trừ trường hợp cá nhân đó yêu cầu được trực diện. Nếu yêu cầu trong vòng 10 ngày từ ngày nhận bằng lái tạm và DMV vẫn chưa có quyết định trước ngày bằng lái hết hạn, việc treo bằng lái sẽ được đình cho đến khi DMV có quyết định.
Tất cả các hình phạt treo hoặc thâu hồi bằng lái mà chúng tôi vừa trình bày đều thuộc thẩm quyền của DMV. Nói cách khác, đây là những hình phạt tối thiểu khi bị bắt về tội lái xe say rượu do DMV ấn định. Ngoài những hình phạt này của DMV, quan tòa trong vụ hình vẫn có thể tuyên án treo bằng lái sau khi bị can nhận tội hoặc bị kết tội say rượu lái xe. Ngoài ra, sau khi thời hạn treo bằng lái hết hạn, đương sự phải đóng cho DMV $100 khi nạp đơn xin lại bằng lái.
Khi bị kết tội hay nhận tội lái xe say rượu, lần thứ nhất bị can có thể bị tòa phạt từ $390 đến $1.000 Mỹ kim, ở tù từ 48 tiếng đến 6 tháng, tù treo từ 3 đến 5 năm, và bị treo bằng lái tối đa 6 tháng hoặc việc lái xe bị giám sát. Ngoài ra, bị can phải tham dự một chương trình điều trị hay dự khóa học về ảnh hưởng rượu và thuốc. Hầu hết chánh án trong các vụ kết tội lái xe say rượu đều phạt bị can tù ở, hoặc làm việc lao động, hoặc cả hai.
Khi bị kết tội lái xe say rượu lần thứ hai trong vòng 7 năm, hình phạt tù sẽ tăng từ 90 ngày đến 1 năm, thời gian bằng lái bị treo là 18 tháng, và thời gian phải tham dự các chương trình điều trị hay khóa học về rượu và thuốc là 1 năm.
Khi bị kết tội lần thứ ba trong 7 năm, thời gian tù ở được tăng từ 2 đến 4 năm, và tiền phạt có thể lên đến $5.000 Mỹ kim. Từ lần thứ tư trở lên, tội lái xe say rượu tự động thành tội đại hình.
Nếu chẳng may việc lái xe say rượu gây ra thương tích tai nạn hay tử thương, tội trạng có thể trở thành đại hình. Và dĩ nhiên, khi bị kết tội đại hình, tiền phạt sẽ nhiều hơn, án tù dài hơn, thời gian bằng lái bị treo hoặc thâu hồi lâu hơn, v.v….
Ðối với các vị thành niên, nếu bị kết tội lái xe say rượu, ngoài những hình phạt của tòa như tù ở và tiền phạt, DMV sẽ thâu hồi bằng lái 1 năm hoặc cho đến khi 18 tuổi, tùy vào thời gian nào lâu hơn.
Ngoài những hình phạt tòa sẽ tuyên án, bị can còn phải trả lệ phí luật sư, lệ phí tòa, tiền bảo hiểm tăng, tiền tham dự các khóa học hay chương trình điều trị, xe bị tịch thu, tiền chi phí để lấy xe ra, vân vân và vân vân.
LÀM ƠN MANG HỌA
Cường là một thanh niên độc thân, vui tính, đẹp trai mà lại còn “hào hoa phong nhã” nữa. Ngoài đặc điểm có vóc dáng cường tráng như một lực sĩ thể thao, chàng lại có tài “tán gái” và ưa giúp đỡ những người gặp nạn, đặc biệt nếu là “phe kẹp tóc” là chàng giúp đỡ tận tình đến nơi đến chốn.
Trong những môn thể thao, football là môn mà chàng mê nhất. Mặc dù lãnh lương không có bao nhiêu, chàng cũng cố gắng dành dụm “sắm” một cái TV Sony hạng nhất với màn ảnh đại vĩ tuyến và âm thanh nổi mấy chục chiều. Khi mùa football bắt đầu, đố ai có thể dụ chàng đi đâu
vào ngày cuối tuần được. Cứ đến Chủ Nhật là chàng rủ bạn bè tới nhà hoặc đến nhà bạn, vừa coi football, vừa uống bia, vừa tán dóc.
Cả tuần trước Chủ nhật Super Bowl, Cường và bạn bè đã hoạch định sẵn một thời khóa biểu trong ngày. Vào sáng Chủ Nhật, tất cả mọi người sẽ cùng nhau đi chợ Tết vì Super Bowl thường diễn ra lúc gần Tết. Vào khoảng trưa, mọi người sẽ kéo về nhà “triệu phú” Giàu để ăn uống, nhậu lai rai và coi Super Bowl luôn thể. Ai cũng mang đến mỗi người mấy “va-li” bia để ăn mừng khi đội nhà thắng trận.
Sau khi Super Bowl chấm dứt, không cần biết đội nhà thắng vẻ vang hay thua đậm, mọi người đều say “nghiêng ngả”, ai nấy đều sửa soạn về nhà nghỉ ngơi để ngày mai “đi cày”. Trên đường lái xe về nhà, Cường vui như là người đi trên mây vì đã có một ngày thật trọn vẹn. Chợt qua khóe mắt, chàng thấy một “em kẹp tóc” đang lúi khúi thay bánh xe xẹp bên đường. Ðộng lòng nghĩa hiệp, chàng táp ngay xe vào lề ra tay giúp đỡ.
Khi bánh xe thay gần xong thì có một xe “bạn dân” trờ tới và hỏi thăm xem mọi việc như thế nào. Khi được Cường trả lời là mọi việc “OK Salem”, vị cảnh sát lên xe và vào exit rời xa lộ. Tuy nhiên, ông ta lại trở vô xa lộ và núp sau một bụi cây to cho đến khi Cường lên xe tiếp tục về nhà, vì ông ngửi thấy mùi bia khi tiếp xúc với chàng. Sau khi lái xe theo dõi Cường khoảng chừng một dặm, vị cảnh sát bật đèn chận chàng lại và cuối cùng bắt giữ chàng về tội lái xe say rượu.
Trên đường về bót, Cường tự nhủ từ giờ sẽ không bao giờ lái xe sau khi uống bia. Ðặc biệt là không bao giờ ngừng xe trên đường giúp đỡ “em” nào nữa cả. Ðúng là “Làm ơn mà mang họa!”
KHI BỊ CẢNH SÁT CHẬN LẠI
Khi bị cảnh sát chận lại vì xe không ở trong tình trạng hoàn hảo hoặc vì vi phạm luật lưu thông, bạn không bao giờ nên ra khỏi xe. Bạn nên lái xe vào lề, ngừng lại khi an toàn, bật đèn chớp cứu cấp, quay cửa kiếng xuống, và sửa soạn trình bằng lái xe. Hai tay nên để trên tay lái cho cảnh sát có thể thấy rõ ràng. Nên nhớ các đề nghị chúng tôi đã trình bày, lúc này miệng bạn phải “chóp chép” nhai kẹo cao su.
Khi cảnh sát hỏi bằng lái xe, giấy đăng ký, giấy bảo hiểm, cứ lẳng lặng trình cho họ mà không nên nói điều gì. Nếu phải nói, nên lịch sự và nói vắn tắt để cảnh sát khó ngửi thấy mùi rượu. Trong trường hợp cảnh sát không tha và quyết định biên giấy phạt, tránh tranh luận hoặc thắc mắc hỏi về giấy phạt. Hãy “hạ hồi phân giải” khi tỉnh rượu.
Nếu không bị bắt giữ, sau khi “bái bai” ông cò, bạn nên vào exit hoặc con đường gần nhất, đậu xe lại và cám ơn Thượng Ðế đã cho gặp một ông bạn dân bị bệnh “điếc mũi”! Ðây là cơ hội sau cùng để bạn có thể kêu taxi hay mướn khách sạn ngủ qua đêm. Bạn không nên “thử lửa” với cảnh sát một lần nữa, vì “Ði đêm thế nào cũng có ngày gặp ma!”
CẢNH SÁT CHẬN ÐƯỜNG
Thỉnh thoảng, đặc biệt vào những ngày lễ lớn trong năm như Tết Dương Lịch, ngày Ðộc Lập, cảnh sát thường “hành quân” bằng cách ngăn đường và chận giữ các xe qua lại trong khu vực đó. Trong những dịp này, không lái xe uống rượu hay bia là chính sách an toàn nhất. Nếu “phải” uống, bạn nên “tắm gội” xe và “xức dầu thơm” cho chính mình qua các đề nghị chúng tôi đã trình bày như thay bóng đèn cháy, lượm rác, “chất” kẹo cao su trong xe, kẹo “peanut butter”, thuốc nhỏ mắt, giấy tờ xe, bằng lái, v.v….
Khi đến gần khu vực chận đường, sẵn sàng cầm bằng lái trong tay để xuất trình cho cảnh sát. Trong lúc lái xe xếp hàng chờ đợi, quay tất cả kiếng xe xuống. Nếu thời tiết ấm áp, mở máy lạnh tốc độ mạnh nhất. Khi tới phiên, xử sự như không có gì xảy ra và tự động xuất trình bằng lái. Không nên bắt đầu khơi mào nói chuyện và chỉ trả lời trực tiếp và vắn tắt các câu hỏi của cảnh sát.
THỬ NGHIỆM RƯỢU TRONG MÁU
Tại tiểu bang California, bất cứ ai được DMV cấp bằng lái xe đều đã ký giấy bằng lòng cho thử máu, hơi thở, hoặc nước tiểu nếu bị bắt về tội lái xe say rượu hoặc thuốc, hay cả hai. Do đó, nếu từ chối không cho cảnh sát làm một trong 3 cuộc thử nghiệm kể trên, DMV sẽ tự động thâu hồi bằng lái. Nếu đồng ý và nồng độ rượu trong máu từ 0,08% trở lên đối với tài xế trên 21 tuổi, 0,01% trở lên đối với tài xế dưới 21 tuổi, cảnh sát sẽ thâu hồi bằng lái chính, đưa giấy thông báo treo bằng và cấp tạm một bằng lái phụ trong 30 ngày.
Trong thời hạn 30 ngày, nạn nhân có quyền yêu cầu DMV tổ chức một buổi điều trần. Tuy nhiên, nếu muốn đình việc treo bằng lái, nạn nhân phải yêu cầu buổi điều trần trong vòng 10 ngày sau khi bị treo bằng, tức là lúc cảnh sát thâu hồi và cấp bằng lái tạm. Sau đó, nếu DMV không thể đi đến quyết định trước khi bằng lái tạm hết hạn trong 30 ngày, việc treo bằng lái sẽ được gia hạn.
Với loạt bài trên đây, chúng tôi hy vọng đã giúp quý độc giả hiểu được phần nào về luật say rượu lái xe cùng các hậu quả tai hại khó đo lường. Ðối với những đề nghị và giải pháp trong việc giảm thiểu việc bị bắt giữ, chúng tôi mong rằng quý vị chỉ áp dụng trong những trường hợp bất đắc dĩ hoặc không tiên đoán trước được mà thôi. Nói tóm lại, khi vui chơi hoặc trò chuyện bằng chai bia, ly rượu, chúng ta cố gắng hạn chế tuyệt đối việc lái xe. Nếu biết phải lái xe, chúng ta nên tránh tuyệt đối việc uống bia hay rượu, cho dù uống rất ít hay chỉ nhâm nhi, vì chỉ cần một phút vui chơi lầm lỡ, chúng ta có thể sẽ ân hận ngàn đời.
Your article helped me a lot, is there any more related content? Thanks!
Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.
Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you.
Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you.