Lạm dâm trẻ em hay lạm dụng tình dục trẻ em bao gồm sự sờ mó, rờ rẫm trên cơ thể của em bé, sự giao hợp, bắt hoặc dạy các em làm các động tác dục tình, bắt các em xem phim ảnh kích dục v.v… Ðây là một vấn đề nghiêm trọng, có tác dụng tai hại đến sự phát triển tâm lý của trẻ em, ảnh hưởng đến đời sống tình cảm và tình dục của các em, cũng như là nguyên nhân đưa đến những bệnh tâm thần. Lạm dâm trẻ em thường ít được khai báo, do đó con số nạn nhân trên thực tế thường là nhiều hơn con số biết được.

YẾU TỐ TÂM LÝ CỦA HÀNH ÐỘNG LẠM DÂM

Theo ông tổ của khoa tâm thần và tâm lý trị liệu, bác sĩ Sigmund Freud, bản năng con người được tạo tác bởi một khối năng lượng phôi thai (libido) gồm năng lượng hiếu chiến (aggressivity) và năng lượng dục tình (sexuality). Luồng năng lượng này vừa cần thiết cho sự sinh tồn (đánh nhau để tự vệ, để chiếm thức ăn và dục tình để truyền giống) vừa là một mối đe dọa cho xã hội nếu không được điều hòa và kềm chế. Ðể bảo vệ trật tự và thanh bình cho xã hội, con người đã có rất nhiều biện pháp, như đặt ra những giá trị đạo đức để tôi luyện và thuần hóa luồng năng lượng sôi sục này, cũng như đặt ra những tôn ti trật tự và luật pháp để trừng phạt những người đã để cho thú tính (hiếu chiến và tham dâm) điều khiển những hành động của mình.

Như vậy, bản chất con người là tham dâm và hiếu chiến. Nếu con người hành xử đứng đắn, tốt đẹp là nhờ giáo dục của gia đình và xã hội. Do đó chúng ta thường gọi hay mắng những kẻ cướp, những kẻ phạm pháp, làm điều sai trái là “đồ vô giáo dục” hay “đồ mất dạy”.

Có nhiều hình thức hiếu chiến hay tấn công người khác. Có hình thức dã man gây thương tích và tật nguyền, thấy rõ trước mắt và kẻ ác sẽ bị săn đuổi, bị bắt và bị trừng phạt. Ðồng thời có những hình thức tấn công làm cho nạn nhân chết dần mòn không thương tích, hoặc khi thương tích thấy được thì đã trễ. Thủ phạm không dễ bị bắt và thường làm hại nhiều nạn nhân trước khi bị bắt. Lạm dâm trẻ em là một sự tấn công tình dục dã man và ác độc nhất, vì sự tổn hại về thể xác thường không thấm thía gì so với những tổn hại về tâm lý, về tình cảm, vừa trầm trọng vừa kéo dài cả một đời người, có thể tàn hại làm cho nạn nhân sống đau khổ và tàn phế tâm hồn cả một đời. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân lớn lên, trở thành một người cha hay một người mẹ tàn phế tâm hồn, tạo cơ hội (một cách vô thức) cho con mình trở thành một nạn nhân của một sự lạm dâm khác, và cứ như thế mà cha truyền con nối để sự đau khổ cứ xảy ra đời đời kiếp kiếp. Trong một số các trường hợp, chính các trẻ nạn nhân của sự lạm dâm lớn lên biến thành kẻ thủ phạm, đi lạm dâm các trẻ khác. Trong tiểu sử của những thủ phạm lạm dâm, người ta thường thấy những người này thuở nhỏ đã từng bị lạm dâm.

YẾU TỐ ÐƯA ÐẾN LẠM DÂM

Hiểu được yếu tố tâm lý trên, chúng ta dễ dàng nhận diện những thủ phạm và những hoàn cảnh có thể đưa đến sự lạm dâm trẻ em hầu đề phòng và bảo vệ cho con em của mình:

  • Không thể tin ai một cách hoàn toàn, vì hiếu chiến và tham dâm là bản năng sinh tồn của con người. Nếu chúng ta cất giữ đồ đạc, tiền bạc cẩn thận, không bày ra trước mắt mọi người để tránh gợi lòng tham của người khác, kể cả những người đàng hoàng đứng đắn nhất, thì chúng ta cũng gìn giữ con em mình cẩn thận như vậy: không phải ai xin cũng cho bồng ẵm, hôn hít, dắt đi chơi được. Nếu chúng ta cẩn thận, khóa cửa nhà trước khi ra ngoài, thì đối với con trẻ, khi tìm người hay nơi giữ trẻ phải cẩn thận, dò xét kỹ lưỡng.
  • Kẻ lạm dâm trẻ em có thể cùng phái hoặc khác phái với trẻ. Nghĩa là đàn ông vẫn có thể lạm dâm bé trai và đàn bà lạm dâm bé gái. Tuổi tác không thành vấn đề. Có trẻ mới vài tháng, một năm đã bị sờ mó, lạm dâm. Thủ phạm có thể nhỏ tuổi hay lớn tuổi.
  • Người thân trong gia đình, họ hàng thường là thủ phạm hơn là kẻ lạ vì có nhiều cơ hội gần gũi với trẻ và được trẻ cũng như cha mẹ tin tưởng.
  • Những người nghiện rượu, những người có nếp sống phóng túng bừa bãi thường là những người thiếu khả năng kềm chế dục vọng của mình, do đó, dễ có những hành động chiều theo dục tính, mà con trẻ là miếng mồi ngon không biết tự vệ.
  • Những người nhút nhát, sợ xã hội, có nếp sống thu hẹp, lẻ loi, không có bạn bè, không có thú vui giải trí, không có lý tưởng, không có những sinh hoạt làm thoát đi những năng lượng dồn nén, khi có hoàn cảnh ở gần một em bé thơ ngây, có thể phạm tội.
  • Trong gia đình mà sự xung đột xảy ra thường xuyên giữa hai vợ chồng. Hai người dùng con cái làm nguồn an ủi, sự loạn luân cũng có thể xảy ra.
  • Có bệnh tâm thần gọi là Pedophilia, người mắc bệnh này chuyên tìm trẻ em để lạm dâm. Bệnh này hầu như không có thuốc chữa, ngoại trừ phương cách thiến hoạn để họ không còn ham muốn nữa.

Như vậy, có thể nói, đề phòng sự lạm dâm cho con trẻ là điều tâm niệm nên luôn có trong óc phụ huynh và của tất cả những người lớn, hệt như đề phòng kẻ gian, kẻ cắp cho tài sản của mình. Kẻ xấu làm xấu đã đành, mà kẻ tốt khi có cơ hội hoặc trong một cơn yếu lòng, bị căng thẳng tâm lý, bị ảnh hưởng của rượu, của thuốc, vẫn có thể phạm tội. Trẻ em thơ ngây yếu đuối, không thể tự vệ, trở thành một miếng mồi cho thú tính của người lớn.
Trường hợp các linh mục lạm dâm trẻ em (đang là một vấn đề thời sự nghiêm trọng cho Giáo Hội Công Giáo) có thể giải thích là các linh mục bị ẩn ức sinh lý, lại sinh hoạt trong môi trường có nhiều trẻ em, mà các trẻ em thì luôn xem các linh mục như những thần tượng đáng tin tưởng và tôn thờ, nên dễ dàng bị lôi kéo vào vòng tội lỗi. Cuốn phim The Thorn Bird cũng diễn tả mối tình của một linh mục đối với một cô gái. Cô lớn lên với hình ảnh tuyệt vời của ông. Lạc lỏng trong gia đình, có người mẹ quá khắt khe, cô chỉ còn biết nương tựa nơi ông. Ngay cả lần đầu tiên có kinh nguyệt đánh dấu tuổi dậy thì, cô cũng tìm đến với ông để tâm sự. Mặc dù sự liên hệ tình dục chỉ xảy ra sau này khi cô đã trưởng thành, tình yêu của hai người đã phát triển theo thời gian và vị linh mục này đã phải phấn đấu rất nhiều giữa tình yêu nhục dục và tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Luật pháp Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng tới vấn đề lạm dâm trẻ em và phạt tội nặng cho thủ phạm. Người lạm dâm phải đăng ký trong danh sách tội phạm để cảnh sát dễ theo dõi và nhận diện. Người làm việc trong ngành chăm sóc trẻ em như giữ trẻ, chuyên gia xã hội v.v… đều phải qua việc khảo sát lý lịch xem có tiền án lạm dâm trẻ em hay không. Có cơ quan tên là Children Protective Service gọi tắt là CPS hoạt động 24 giờ mỗi ngày để nhận tất cả sự khai báo về lạm dâm hay bạo hành trẻ em. Các bác sĩ, y tá, chuyên gia tâm lý xã hội, giáo viên có bổn phận khai báo khi nghi ngờ có sự lạm dâm và bạo hành, và thường mang quan niệm là thà nghi lầm hơn là tha lầm. Nếu nghi ngờ, nên khai báo để cảnh sát đến điều tra. Nếu sự điều tra cho thấy không có sự lạm dâm hay bạo hành thì vẫn tốt hơn là để mất một cơ hội cứu giúp một em nạn nhân.

TÂM LÝ TRẺ EM NẠN NHÂN

Có người sẽ thắc mắc, ngoại trừ các em quá nhỏ, tại sao các em không chống đối, không khai báo, mà lại chịu sự lạm dâm nhiều lần, và không hiếm trường hợp, nhiều năm, để rồi khi lớn lên hoặc đợi khi có trẻ khác khai báo, mới chịu bước ra ánh sáng?

Sau đây là những lý do:

  1. Thủ phạm thường hăm dọa là sẽ giết hại các em, hoặc là giết hại cha mẹ của các em nếu các em khai báo. Do đó, với tâm hồn non nớt, các em nghĩ rằng phải im lặng để bảo vệ cha mẹ hay gia đình của mình.
  2. Các em sợ rằng khi nói ra thì sẽ không ai tin, nhất là khi thủ phạm là người có uy tín, là người mà cha mẹ tin tưởng và kính trọng (như linh mục, tăng sĩ, cô chú, thầy cô v.v…)
  3. Các em sợ làm tan nát gia đình, làm xáo trộn sự êm đềm đang có, nhất là nếu thủ phạm lại chính là cha hay anh ruột của mình.
  4. Các em tự cho là mình có lỗi trong việc bị lạm dâm, do đó sợ bị trừng phạt, la mắng. Có một điểm tâm lý quan trọng, là khi bị lạm dâm, các em có thể có những cảm giác khoái lạc do phản ứng tự nhiên của cơ thể. Các em có thể do đó, tự kết án chính mình, cho rằng mình xấu xa, dơ bẩn và có lỗi. Ðây là điểm tâm lý quan trọng mà các nhà tâm lý trị liệu gia quan tâm trong khi trị liệu các em, hầu giúp các em cởi bỏ mặc cảm tội lỗi này. Trước đây, các luật sự biện hộ cho thủ phạm các vụ hiếp dâm thường dùng yếu tố khoái cảm của nạn nhân để chứng tỏ là có sự đồng thuận hầu biến việc hiếp dâm thành một sự giao hợp có thỏa thuận. Ngày nay, điều này không còn là một yếu tố nữa. Cơ thể con người khi bị kích thích thì có phản ứng, và phản ứng này không nhất thiết là tuân theo ý muốn của con người.

HẬU QUẢ CỦA SỰ LẠM DÂM TRÊN TRẺ EM

Lạm dâm là một sự vi phạm tầy trời vào một biên giới thường được coi là bất khả xâm phạm: thân thể con người ở những vị trí kín đáo, thân mật và riêng tư nhất. Nó nặng nề hơn bạo hành, hơn đánh đập và có những dấu tích muôn đời trên thân thể và tâm hồn nạn nhân. ƠŒ trẻ em, nó vi phạm lòng tin của các em đối với những người mà các em kính trọng, do đó làm mất niềm tin ở đời sống, ở cuộc đời. Các em mất niềm tin vì cha mẹ đã không bảo vệ được các em, mất niềm tin vì ngay những năm đầu của cuộc đời, phần thân thể thiêng liêng nhất đã bị vi phạm. Các em lớn lên với đầy những hoài nghi, căm hận. Những hoài nghi và căm hận này sẽ tác dụng và thể hiện lên đời sống hàng ngày, trong việc đối xử với những người xung quanh, với người yêu sẽ có (hay không thể có) khi lớn lên và suốt cuộc đời. Các nhà tâm lý trị liệu gia phải làm việc nhiều năm với các em để trị liệu vết thương này. Có em phát bệnh Trầm Cảm (Major Depression), có em phát bệnh Hậu Chấn Tâm Lý (Posttraumatic Stress Disorder), có em trở thành ngây dại suốt đời.

Ngoài ra, hậu quả của sự lạm dâm có thể tiềm ẩn, nhưng có tác dụng làm thay đổi cả một đời người, ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục của người bị lạm dâm. Có người lớn lên sợ và tránh liên hệ tình dục, không tìm thấy hạnh phúc gối chăn, trở thành lãnh cảm. Có người trở thành ham dục quá độ và có một nếp sống phóng túng bừa bãi. Có người trở thành một kẻ lạm dâm trẻ em (tiểu sử của thủ phạm thường cho thấy những người này thuở nhỏ đã bị lạm dâm). Có người lớn lên trở thành nạn nhân nhiều lần của các trường hợp hãm hiếp.

CÁC DẤU HIỆU HOẶC TRIỆU CHỨNG CỦA CÁC EM BỊ LẠM DÂM

Các em nạn nhân có thể không có triệu chứng gì cả, nhưng các em lớn lên với một vết thương lòng chôn kín, một mình mình biết, một mình mình hay, với một tâm trạng phức tạp trộn lẫn giữa mặc cảm tội lỗi, căm giận và hoài nghi cuộc đời và những người xung quanh. Vết thương lòng này tác dụng và làm các em không thể có được một tình yêu chân thật và vững bền với bất cứ ai. Có em không hề nhớ là mình đã bị lạm dâm cho đến một dịp nào đó, gặp một chấn động nào đó, mới bừng nhớ ra và những cảm xúc này sẽ tràn ngập làm các em chới với.

Có em có những triệu chứng trầm trọng của bệnh Trầm Cảm (Major Depression) và bệnh Hậu Chấn Tâm Lý (Posttraumatic Stress Disorder) như sau: bỏ ăn, không ngủ được, chiêm bao ác mộng, hay sợ hãi, giật mình, sợ ở một mình, có cử chỉ né tránh và bất thường khi thủ phạm xuất hiện, học hành sút giảm, thờ thẫn như người mất hồn, mất đi vẻ xinh tươi và nguồn vui sống, tiểu dầm, gắt gỏng, cau có, hay ốm đau, không tha thiết đến sinh hoạt vui chơi với bạn bè.
Các triệu chứng có thể khó nhận thấy ngoại trừ cha mẹ, người thân chịu khó gần gũi và quan sát kỹ lưỡng.
Có em có những triệu chứng của người bị kích thích tình dục quá độ như thủ dâm nhiều, có những động tác làm tình lộ liễu nơi công cộng hay trong lớp học, rờ rẫm các em khác hay các em nhỏ hơn mình.

TRỊ LIỆU

Sự trị liệu thường phải lâu dài, nhiều năm, để tái tạo lại niềm tin và niềm vui sống. Sự trị liệu gồm ba phương diện:

  1. Luật pháp: bước đầu tiên của việc trị vết thương do lạm dâm là việc lạm dâm phải chấm dứt, thủ phạm phải bị bắt giữ để không còn là mối lo sợ cho nạn nhân. Thủ phạm thường lạm dâm nhiều em và thường tái phạm, do đó, việc tố cáo đưa thủ phạm ra pháp luật là điều cần thiết phải làm ngay. Công lý phải sáng tỏ để nạn nhân bắt đầu xây dựng lại niềm tin là công lý có thật trên đời.
  2. Tâm lý trị liệu: các em cần có một người tâm lý trị liệu gia mà các em cảm thấy an toàn để tâm sự tất cả nỗi lòng. Người này sẽ giúp các em lấy lại niềm tin, niềm hy vọng ở tương lai cũng như bảo vệ chính mình trong những ngày tháng về sau.
  3. Thuốc: trong trường hợp các em bị những triệu chứng của bệnh trầm cảm và bệnh hậu chấn tâm lý, các triệu chứng này có thể bớt nhiều và khỏi hẳn nhờ thuốc chống bệnh trầm cảm.

PHÒNG NGỪA LẠM DÂM TRẺ EM

Sự quan tâm, hiểu biết của phụ huynh về vấn đề này vô cùng cần thiết để bảo vệ con em của mình tránh sự lạm dâm. Các giáo chức của nhà trường lúc nào cũng quan tâm để nhận ra những dấu hiệu. Các bạn học cùng lớp cũng giúp đỡ lẫn nhau bằng cách báo cáo dùm cho nhau khi nạn nhân không dám làm việc này. Các trung tâm tâm lý trị liệu luôn có nỗ lực báo động và giáo dục quần chúng về vấn đề lạm dâm, có những lớp hướng dẫn trẻ biết phân biệt sự ôm ấp, hôn hít do thương yêu và sự rờ rẫm có tính cách lạm dâm, và khuyến khích trẻ tố cáo thủ phạm. Luật pháp trừng phạt rất nặng tội lạm dâm và giữ danh sách thủ phạm để theo dõi. Các cơ sở làm việc với trẻ em như trường học, trường giữ trẻ, trung tâm trị liệu bệnh tâm thần và tâm lý trị liệu điều tra lý lịch nhân viên rất kỹ để tìm tiền án lạm dâm trước khi thu nhận nhân viên.
Quan trọng hơn hết, tôi nghĩ rằng sự đề phòng nằm trong bổn phận của cha mẹ. Khi con còn thơ dại, phải luôn bảo vệ con, tập cho con thói quen tâm sự và báo cáo với cha mẹ bất cứ những việc bất thường xảy ra. Luôn lắng nghe và tìm hiểu mà không la mắng hay nạt nộ. Khi con có niềm tin là có thể tìm đến với cha mẹ về mọi vấn đề, sự đe dọa của thủ phạm sẽ không còn hiệu lực nữa.