Vàng Da, Vàng Mắt:
Bệnh gan làm vàng da vàng mắt chỉ khi gan bị chai nặng không lọc được hay dịch mật hoặc ống dẫn mật bị đóng nghẽn như bị sạn ống mật hay ung thư gan. Bệnh nhân thực sự bị vàng da và mắt do bệnh gan thì thường là vàng khe toàn người cả mắt, cả da. Trong trường hợp này thì gan bị hư cho nên toàn cơ thể bị ảnh hưởng cho nên người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi, bải hoải, ăn uống không được, xuống cân, sình bụng, nóng sốt, phân đổi thành màu xám vì thiếu chất mật vàng chứ không chỉ có vàng da, vàng mắt không mà thôi. Còn thông thường nhiều người tưởng mình mắt vàng thì thật ra là vì các mạch máu dưới lòng mắt bị đỏ làm cho lòng mắt không được trong chứ không phải vàng như nhiều người lầm tưởng.
Da Ngứa Hoặc Nổi Mề Ðay
Bệnh gan có thể làm cho người bị ngứa khó chịu nhưng lý do bệnh sưng gan làm bị ngứa rất ít và thường lúc đó người cũng bị vàng và mệt mỏi. Ngược lại đa số bệnh ngứa hay nổi mề đay hoặc phong (nhất là sau khi ăn đồ biển) là do bệnh dị ứng (allergy). Khi cơ thể không hạp với một vài chất nào như đồ ăn, xà bông, phấn hoa thì bạch huyết cầu sẽ tiết ra những chất kháng thể hoặc chất kích thích làm cho da bị ngứa và nổi phong. Ðó là lý do tại sao bác sĩ chuyên về bệnh dị ứng (allergist) hoặc bác sĩ da (dermatologist) làm “skin tests” để tìm hiểu bệnh nhân bị dị ứng với chất nào, thí dụ như bụi phấn hoa, bụi nhà, đồ biển v.v.. và chữa bệnh bằng thuốc trị dị ứng và khuyên bệnh nhân tránh các đồ họ bị dị ứng. Người Việt mình thì nghỉ rằng gan yếu không lọc được các chất độc cho nên bất kỳ khi bị ngứa phải gãi là “bắt cầu” kết luận là bị bệnh gan, sưng gan.
Mụn Trứng Cá (acnes)
Mụn mọc là vì nhiều chất nhờn làm bít chân lông lại và rồi bị nhiễm trùng làm nổi mụn. Thường là những mụn trứng cá này sẽ phai tàn theo thời gian chứ không có liên quan gì đến gan yếu hay suy nhược cả. Thanh niên nam nữ khi tới tuổi dậy thì thì cơ thể sẽ tiết ra những chất kích thích tố (hormones) không những giúp cho cơ thể phát triển và nẩy nở “đường cong, đường dọc”, làm cho lòng xuân phơi phới, con tim biết rạo rực mà còn làm cho mặt bị nổi mụn, đôi khi bị nhiều như “trăm hoa đua nở”. Thành ra bác sĩ chữa bệnh mụn bằng thuốc trụ sinh, bằng thuốc trị mụn chứ không bằng thuốc trị gan. Thí dụ điển hình là các thanh niên nam nữ không bị bệnh gan gì cả mà bị nổi mụn lia chia, ngược lại các người lớn tuổi hay các cụ bị bệnh gan, viêm gan, sơ gan nặng gần chết mà chả có thấy bị mụn cóc, mụn lẹo gì cả.
Ai bị nhiễm siêu vi khuẩn gan cũng sẽ bị sưng gan, chai gan, ung thư gan và chết vì bệnh gan cả
Với siêu vi khuẩn A hầu như là 100% và siêu vi khuẩn B trên 90% bệnh nhân bị nhiễm siêu vi khuẩn sẽ khỏi bệnh nghĩa là cơ thể sẽ tự động tiết ra chất kháng thể (antibody) để tiêu diệt siêu vi khuẩn và người bệnh sẽ không bao giờ bị nhiễm trùng hai siêu vi khuẩn này lại nữa. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân bị nhiễm siêu vi khuẩn gan B là cơ thể không diệt được siêu vi khuẩn này và vẫn tiếp tục mang siêu vi khuẩn trong người nhất là trong trường hợp các trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng lúc mới đẻ lây từ mẹ qua thì trên 90% những đứa bé này sẽ bị nhiễm trùng cả đời. Chỉ trong những trường hợp này các bệnh nhân có thể bị sưng gan, chai gan và ung thư gan. Riêng siêu vi khuẩn gan C thì ngược lại, chỉ có khoảng 15-20% bệnh nhân sau khi bị nhiễm siêu vi khuẩn này là khỏi bệnh còn khoảng 80% còn lại vẫn sẽ có siêu vi khuẩn trong người làm cho bị sưng gan và chai gan. Một điểm cần nhấn mạnh nữa là không phải ai bị sưng gan cũng sẽ bị chai gan và ung thư gan nếu cơ thể không tiêu diệt được siêu vi khuẩn. Với siêu vi khuẩn gan C dù làm bị sưng gan cũng chỉ khoảng 20 tới 25 phần trăm những bệnh nhân có thể bị chai gan, ung thư gan hay chết vì bệnh gan. Với siêu vi khuẩn gan B thì lại còn ít sưng gan hơn. Ðó là lý do tại sao bác sĩ phải định bệnh trước khi quyết định chữa trị và không phải ai cũng cần phải chữa cả. Tóm lại không phải ai bị nhiễm trùng siêu vi khuẩn cũng sẽ bị chai gan và chết vì bệnh gan.
Siêu vi khuẩn A ở trong người lâu ngày sẽ biến thành siêu vi khuẩn B và rồi thành C
Hiện nay bác sĩ tìm ra ít nhất 6 loại siêu vi khuẩn gây ra bệnh sưng gan A, B, C, D, E, G. Các siêu vi khuẩn gan này hoàn toàn khác nhau từ căn bản cấu tạo tới phương cách nhiễm trùng và làm sưng gan. Thành ra một bệnh nhân bị nhiễm siêu vi khuẩn B vẫn có thể bị nhiễm siêu vi khuẩn gan A, C, hay các siêu vi khuẩn gan khác và ngược lại chứ không phải là bị siêu vi khuẩn gan A ở trong cơ thể lâu rồi biến thành qua B và C.
Bệnh siêu vi khuẩn viêm gan là bệnh di truyền thành ra trong gia đình nhiều người cùng bị
Ðây là một sự hiểu lầm rất thông thường của nhiều người. Bệnh siêu vi khuẩn viêm gan là bệnh truyền nhiễm (infectious disease) và có thể truyền qua đường ăn uống như siêu vi khuẩn A; qua đường tiếp xúc sinh lý, qua máu, từ mẹ qua con lúc sinh đẻ như siêu vi khuẩn gan B và C. Ðó là lý do tại sao người trong gia đình có thể đều bị nhiễm siêu vi khuẩn vì bị lây. Còn di truyền tức là “genetics” là những đặc tính di thể của tổ tiên, cha mẹ truyền xuống con cháu chẳng hạn như ba mẹ tóc vàng, mắt xanh đẻ ra con tóc vàng, mắt xanh; ba mẹ có thiên tài về âm nhạc thường con cũng có năng khiếu về ngành âm nhạc. Với di truyền là trời cho hay “phạt?”, chúng ta không thể thay đổi hay mong muốn mà được. Còn với bệnh truyền nhiễm nếu chúng ta cẩn thận có thể tránh bị nhiễm trùng hay diệt trừ được.
Tại sao bác sĩ không chích ngừa cho bệnh nhân sau khi họ bị nhiễm siêu vi khuẩn?
Thuốc chủng ngừa dùng để giúp cơ thể tạo ra chất miễn nhiễm trước khi bị nhiễm trùng chứ một khi cơ thể bị nhiễm trùng thì thuốc không có hiệu nghiệm ngừa được (cũng như “Mất bò mới lo làm chuồng”). Thuốc chủng ngừa không có công hiệu trị bệnh. Cũng giống như chúng ta chỉ chích ngừa cúm (flu) trước khi bị cúm chứ đâu chích ngừa sau khi bị cúm bao giờ. Cho nên khi bác sĩ thử nghiệm, nếu bệnh nhân đã bị nhiễm trùng hay có chất kháng thể siêu vi khuẩn rồi thì không cần chích ngừa loại siêu vi đó. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị nhiễm siêu vi khuẩn B mà chưa bị siêu A thì có thể chích ngừa siêu vi khuẩn A hay ngược lại. Dĩ nhiên là người có bị siêu vi C có thể chích ngừa cho cả hai siêu vi A and B nếu chưa bị.
Siêu vi khuẩn rất dễ lây cho những người chung quanh hay sống chung đụng hay ăn uống chung.
Chỉ có siêu vi khuẩn A truyền nhiễm qua đường ăn uống và đại tiện (fecal oral route). Cho nên chỉ có đối với siêu vi khuẩn này mới tránh ăn đồ ăn trái cây, rau sống và tránh ăn uống chung hay xài phòng tắm vệ sinh chung thường chỉ một thời gian ngắn vài tuần nếu có người trong gia đình bị nhiễm siêu vi khuẩn này cấp tính. Tuy nhiên vi khuẩn này chỉ gây ra bệnh sưng gan cấp tính trong thời gian ngắn và sẽ hết luôn.
Ngược lại hai siêu vi khuẩn B và C truyền nhiễm qua đường máu và tiếp xúc sinh lý nhưng hoàn toàn không truyền nhiễm qua đường ăn uống hay xài phòng vệ sinh chung thành ra những người trong gia đình không cần phải dè dặt ăn riêng hay xài phòng tắm riêng làm mất đi hòa khí trong gia đình. Nếu trong gia đình có người thân bị bịnh thì cẩn thận tránh xài chung dao cạo, bàn chải đánh răng hay đồ cạo gió vì những đồ này có thể dính máu và lây bệnh. Chứ đừng làm những chuyện quá đáng khôi hài như không dám đi thăm nhau vì sợ bị lây siêu vi khuẩn hay bắt người bệnh dọn ra khỏi nhà hay không cho ở chung phòng, ăn chung bàn hoặc không dám đi phúng điếu người chết vì bệnh gan do siêu vi khuẩn viêm gan gây ra vì sợ siêu vi khuẩn nhảy ra từ xác chết và chui vô người mình giống như trong các phim Aliens.
Khám bệnh và thử máu hàng năm là bảo đảm biết mình bị bệnh siêu vi khuẩn gan
Khi bệnh nhân đi khám tổng quát thông thường định kỳ thì bác sĩ chỉ thử các máu tổng quát như máu mỡ (cholesterol), thận, gan, hồng huyết cầu chứ không thử máu siêu vi khuẩn gan. Thử máu siêu vi gan là thử đặc biệt bác sĩ không thể thử thường xuyên theo định kỳ được. Nên nhớ có trăm loại thử nghiệm máu khác nhau nên bác sĩ phải dựa theo bệnh lý của người bệnh để làm và thử nghiệm chứ nếu thử hết thì bệnh nhân “không có đủ máu” để thử hay đủ tiền để trả cả trăm thử nghiệm. Thành ra nếu sợ hay nghi mình bị siêu vi khuẩn B, C thì nên yêu cầu bác sĩ thử nghiệm.
Bệnh nhân bị bệnh gan cần phải ăn uống kiêng cữ các đồ ăn dầu mỡ, trứng, v.v…
Khi bị sưng gan bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường và điều độ, giữ gìn sức khỏe chứ không cần phải kiêng cữ như tránh trứng gà, thịt heo, thịt mỡ, kiêng sữa v.v.. hay phải ăn các thức ăn đặc biệt hay uống thuốc bổ để bồi bổ làm cho mát gan. Nếu mập hay bị bệnh mỡ cao thì xuống cân và tránh đồ ăn mỡ. Hiện nay rất nhiều người bị bệnh mỡ gan. Những người chỉ bị nhiễm siêu vi khuẩn gan mà không bị sưng gan thì gan vẫn tốt như người thường không phải kiêng cữ vì bệnh gan trừ trong trường hợp bị chai gan nặng. Sưng gan là do siêu vi khuẩn tiêu diệt tế bào gan. Ðồ ăn hay thuốc bổ không có diệt được siêu vi khuẩn nên không làm cho tế bào gan đỡ bị sưng và chết đi. Tuy nhiên những chất có thể làm sưng hay hại gan như rượu, bia thì phải tránh đừng có uống quá nhiều như hủ chìm hay bợm nhậu vì rượu là độc tố uống nhiều làm hư gan thành ra nếu đã bị sưng gan vì siêu vi khuẩn mà thêm rượu bia nữa thì sưng gan và chai gan sẽ lẹ hơn rất nhiều. Thành ra các bệnh nhân bị sưng hay chai gan thì phải luôn luôn nhớ câu “nam hữu tửu như kỳ đứt giây” chứ đừng vừa nhậu nhẹt vừa ngâm “nam vô tửu như kỳ vô phong”.
Thuốc Bắc thuốc Nam chữa được bệnh siêu vi khuẩn gan, sưng gan, chai gan và ung thư gan nhất là khi bị sưng gan cấp tính
Hiện nay chưa có một nghiên cứu rộng rãi quy mô nào cho thấy thuốc Bắc hay thuốc Nam chữa được các bệnh siêu vi khuẩn gan hay cho biết rõ ràng con số tỷ lệ bao nhiêu người uống thuốc thì hết bệnh gan hay ung thư gan cả và chưa có một thuốc Bắc nào được một tổ chức y khoa hay hội y sĩ nào trên thế giới công nhận là đã chữa khỏi các siêu vi khuẩn gan cả. Người mình thích “chữa bệnh truyền khẩu” tức là người này đồn người kia là thuốc gia truyền hay lắm uống vài thang thuốc là hết bệnh là khỏi liền. Nói cứ như là mình đã uống và hết bệnh nhưng nếu hỏi kỹ lại thì chỉ nghe người này đồn người nọ, còn chính mình không biết người bệnh đó là ai, vả lại bệnh gan loại gì, có cùng bệnh gan hay siêu vi khuẩn gan như mình không. Thêm vào nữa những bệnh nhân uống thuốc nhưng chết đi thì không thể nào sống lại để báo cho mọi người biết là thuốc không có hiệu nghiệm.
Không gì khó khăn cho bác sĩ bằng bệnh nhân gặp thầy thuốc bấm mạch cho biết bị nóng gan liền tới phòng mạch bác sĩ để chữa bệnh gan. Hoặc bệnh nhân đi khám bác sĩ thử máu thấy bị nhiễm siêu vi trùng viêm gan và sưng gan liền đi uống thuốc Bắc rồi trở lại bác sĩ để thử máu gan coi khỏi chưa. Bác sĩ không thể bắt mạch mà chẩn bệnh gan được, và ngược lại thầy lang không có thử nghiệm máu sưng gan hay siêu vi khuẩn gan. Kiểu chữa bệnh lẫn lộn như vậy không phải là Ðông Tây hòa hợp và có hại hơn là giúp cho bệnh nhân.
Hiện nay các quảng cáo thuốc Bắc, thuốc Nam chữa bệnh siêu vi khuẩn gan, sưng gan, chai gan, ung thư gan được quảng cáo đầy dẫy trên các báo chí và radio Việt Nam (độc giả có thắc mắc là tại sao thuốc tốt quá mà không dám quảng cáo trên báo chí Mỹ luôn?). Quảng cáo nghe rất là hay toàn là thần dược uống một khỏi mười tuy nhiên các thuốc mà tác giả coi được ở các tiệm thì trên nhãn hiệu thuốc chỉ toàn để là thuốc “bổ gan” chứ không đề cập đến một tí gì về chữa bệnh gan hay siêu vi khuẩn viêm gan như quảng cáo. Khi đi mua thuốc nên đọc kỹ càng nhãn hiệu cũng như công dụng trị bệnh cũng như phản ứng phụ của thuốc dán trên hộp hay trên giấy trình bày về thuốc thường để trong hộp. Còn nếu có người mách thuốc gia truyền thì bệnh nhân phải hỏi cho kỹ càng xem chính người mách đã dùng thuốc này rồi mà khỏi bệnh mà bệnh gì hay là chỉ nghe đồn, thuốc có hại gì cho cơ thể không, thuốc có giết được siêu vi khuẩn bệnh gan và thật sự hết bệnh có được kiểm chứng và xác nhận bởi bác sĩ không. Thuốc có tốn nhiều tiền không và nếu tốn quá nhiều tiền thì có gì bảo đảm là sẽ hết bệnh. Phải hỏi cho rõ ràng nếu trường hợp uống thuốc bị phản ứng phụ làm nguy hiểm tới sức khỏe thì phải làm gì và thầy thuốc có chịu trách nhiệm giúp chữa được không. Cũng nên hỏi làm sao thầy thuốc định bệnh là bệnh nhân bị bệnh gan và bệnh gan gì (chứ không phải dựa trên lời khai của bệnh nhân không) và làm sao định là hết bệnh được sau khi dùng thuốc.
Qúy vị nên biết rằng bệnh nhiễm siêu vi khuẩn viêm gan và ung thư gan là hai bệnh nan y đang hoành hành tại các nước vùng Ðông Nam Á chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ðại Hàn. Các nước này có cả trăm triệu người bị nhiễm siêu vi khuẩn B và C, và hàng năm bao nhiêu người chết vì bị chai gan và ung thư gan. Nếu thực sự các thuốc Bắc hiệu nghiệm thì các bệnh này đã và đang không là một bệnh dịch đe dọa cho các nước này.Thêm vào đó nhiều người hay nghĩ lầm là thuốc bắc từ cây cỏ ra cho nên là thiên nhiên không có phản ứng phụ hay hại cho cơ thể cả. Ðây là một quan niệm bé cái lầm! Không phải cứ nguyên chất hay thiên nhiên (natural products) là không có phản ứng phụ hay độc hại. Chẳng hạn ăn trúng phải nấm độc làm gan bị hư cấp tính phải thay gan hay thiệt mạng, hoặc nếu đụng phải cây poison ivy thì da bị sưng ngứa, phỏng, hay nếu ăn nhầm phải bọng cá trong các món sushi của người Nhật có thể mất tính mạng như chơi. Ðó là chưa kể các cây cỏ này có thể trồng ở những nơi có bị ô nhiễm thành ra bị nhiễm luôn chất độc. Thống kê của bộ Y Tế Cali mấy năm trước cho biết khoảng 10% các thành phần thuốc bắc nhập cảng từ Trung Quốc bị nhiễm các kim khí như thủy ngân, arsenic có thể làm nguy hại cho cơ thể. Cho nên thiên nhiên không có nghĩa là không độc. Các thuốc bắc hay thuốc nam giống như thuốc tây đều có phản ứng phụ, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ tùy loại thuốc và tùy cơ thể mỗi người. Ðó là chưa kể khi uống lẫn lộn các chất thuốc với nhau có thể tạo ra các phản ứng phụ và độc hại khác. Những trường hợp này bác sĩ khó mà đoán hay trị bệnh được khi phản ứng phụ độc hại làm biến chứng.