1. Ðại cương:

Ở bất cứ một quốc gia nào, khi bệnh nhân đi khám chữa bệnh đều phải tuân theo những thủ tục, những luật lệ áp đặt cho mình. Hoa Kỳ cũng có những luật lệ về ngành y tế và những quyền lợi cho bệnh nhân mà mỗi người sinh sống ở đây cần phải biết. Những điều lệ đó, không phải cứ ở đây lâu đời là mình biết hết như nhiều người đã hãnh diện phát biểu: “Tôi ở đây từ 75, tôi hiểu hết luật lệ không cần phải nói,” mà phải tìm hiểu và phải học hỏi mới biết được. Ngay cả người Mỹ (da trắng) sinh đẻ ở đây cũng thế thôi! Mỗi người học một ngành và có thể biết rành về luật lệ của ngành mình đang làm, nhưng lại không thể biết rõ về những luật lệ của các ngành khác. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin giới thiệu về một vài khía cạnh của y luật áp dụng tại Mỹ để mọi người có dịp tìm hiểu thêm, đó là quyền tự quyết.

2. Nguyên tắc căn bản của quyền tự quyết:

Dưới y luật Hoa Kỳ, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là bác sĩ có bổn phận tôn trọng sự tự do chọn lựa của bệnh nhân khi họ đến chữa bệnh với mình, đó là điều tất yếu của quyền tự quyết. Dĩ nhiên sự quyết định đó phải dựa vào một số nguyên tắc căn bản mà trong phạm vi bài này chúng tôi cố gắng trình bày một cách đơn giản và tóm tắt để độc giả hiểu đúng vấn đề và tránh những sự suy diễn lệch lạc có thể đưa đến ngộ nhân và lợi dụng quyền tự quyết để làm lợi cho mình một cách không chính đáng.

Khác với một số quốc gia ở châu Âu và châu Á, quyền tự quyết ở Hoa Kỳ được áp dụng rộng rãi và triệt để hơn. Quyền tự quyết được dịch từ chữ “autonomy” bao gồm những chữ gốc Hy lạp “autos” là tự mình, và “nomos” là luật lệ. Ðây là quyền của bệnh nhân tự chọn lựa cho mình một đường lối trị liệu đúng đắn nhất dựa vào một số điều kiện:

• Bệnh nhân phải tỉnh trí và sáng suốt: không phân biệt bệnh nhân bị bệnh nặng hay nhẹ, điều quan trọng là bệnh nhân phải minh mẫn; không có những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phán đoán của mình. Ít nhất người bệnh phải biết rõ mình và người nói chuyện với mình là ai, thời gian mình đang có mặt là lúc nào, và mình hiện đang ở đâu. Những trường hợp bệnh nhân bị lơ mơ, lẫn lộn về những điều này, chẳng hạn bị mất máu nhiều quá, tình trạng gần hơn mê vì đường quá cao trong máu, bị một số bệnh thần kinh, v.v… thì bệnh nhân không có quyền tự quyết nữa, mà sự quyết định trị liệu sẽ tùy thuộc vào bác sĩ và người thay mặt chính thức cho bệnh nhân, làm thế nào để bệnh nhân được lợi nhiều nhất.

• Bệnh nhân phải thông hiểu đầy đủ về tình trạng bệnh lý của mình: để bệnh nhân có thể có ý kiến đúng đắn về trị liệu của mình, thường là những trường hợp trị liệu có thể liên quan đến một số tác dụng phụ của thuốc hay của các thủ thuật dùng chữa bệnh (giải phẫu hay thông mạch tim chẳng hạn), bác sĩ phải giải thích rõ ràng cho bệnh nhân được biết tính chất bệnh lý của mình là gì, thuốc men có điều tốt gì, điều hại gì, chứng gì, v.v… bằng những chữ dễ hiểu, đơn giản nhất, chứ không phải bằng những danh từ y khoa khó hiểu, và ngược lại bệnh nhân có thể đặt những câu hỏi để được giải thích thêm về những gì mình chưa rõ. Họ có thể trả lời sau thời gian ngắn suy nghĩ thêm nếu bệnh lý cho phép. Trường hợp người bệnh già cả và không hiểu những gì bác sĩ đã giải thích thì có thể nhờ con cái, người nhà cùng tham gia để góp thêm ý kiến cho mình.

• Tôn trọng quyền từ chối chữa bệnh của bệnh nhân: nếu hai điều kiện trên đã làm rồi, bệnh nhân vẫn không muốn chữa bệnh bằng cách nào đó, thì bác sĩ phải tôn trọng ý kiến của bệnh nhân, nhưng sẽ cố gắng đưa ra những phương pháp trị bệnh khác nếu có để giúp cho chữa bệnh. Do đó bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ về những cách trị liệu khác nếu mình không muốn theo cách chữa bệnh bác sĩ đã trình bày. Ðây là một điều quan trọng khác tình trạng ở Việt Nam, bệnh nhân lo sợ bị bác sĩ ghét bỏ, bác sĩ đuổi đi không chữa nữa, v.v…, cứ thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, và bác sĩ sẽ vui vẻ trình bày thảo luận với bệnh nhân trước khi hai bên đồng ý với nhau về quyết định mới nếu có được. Trong phòng cấp cứu của bệnh viện, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp rất khó sử mà bác sĩ vẫn phải cố gắng giúp cho bệnh nhân, đôi khi không có kết quả. Ðó là trường hợp khi bệnh nhân theo một tôn giáo nào đó và cho rằng phương pháp trị liệu ấy đi ngược với tôn giáo của mình. Chẳng hạn một bệnh nhân theo đạo Jehovah bị mất máu trầm trọng nhưng vẫn còn tỉnh trí không nhận truyền máu vì cho rằng có thể mình sẽ bị ô nhiễm nếu mình nhận máu người khác, bác sĩ cố gắng giải thích và bệnh nhân khăng khăng từ chối truyền máu dù có thể nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ sẽ tôn trọng nguyện ước của bệnh nhân và dùng dịch truyền khác thay thế. Có một số bệnh nhân Jehovah đã chết vì quyết định của mình, nhưng bác sĩ cũng đành chịu thôi, vì đó là quyền tự quyết. Nhiều trường hợp khác, nếu bác sĩ thấy quyết định của bệnh nhân quá sai lạc, vì sự ngoan cố (ngoài vấn đề tôn giáo), vì không hiểu biết dù đã giải thích hết lời, và sự chọn lựa ấy có thể đưa đến cái chết cho bệnh nhân một cách oan uổng, bác sĩ sẽ xin lệnh tòa án để được trị liệu cho bệnh nhân, và tòa án sẽ vượt qua quyền chọn lựa của bệnh nhân để bác sĩ được toàn quyền hành động.

• Tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân: có nghĩa là bảo mật cho bệnh nhân, không được tiết lộ những gì về bệnh nhân của mình cho người khác biết, dù để chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm nếu bệnh nhân không đồng ý. Nhân tiện đây, cũng trong vấn đề này, chúng tôi xin nói thêm về sự bảo mật (confidentiality), là bệnh nhân có quyền đòi hỏi hồ sơ của mình được gửi đến một bác sĩ khác để tham khảo ý kiến hay khi đổi bác sĩ, hoặc hồ sơ được yêu cầu gửi đến một cơ quan chính thức nào đó như văn phòng luật sư, văn phòng xã hội để lo toan vấn đề khác nào đó. Bảo sao hồ sơ sẽ được chuyển đến các nơi cần dùng hồ sơ ấy sau khi bệnh nhân ký giấy đồng ý.

Trong vài năm gần đây, quyền bảo mật được bảo vệ tuyệt đối bằng luật lệ hản hoi gọi tắt là HIPAA, và bệnh nhân khi đến khám bệnh ở phòng mạch phải ký vào những văn bản đồng ý đã hiểu về vụ bảo mật này. Ðó cũng là lý do tại sao những người không phải là chính bệnh nhân đến phòng mạch hay nhà thương đổi lấy kết quả thử nghiệm hay những giấy tờ khác mà không có giấy ủy quyền của bệnh nhân chẳng hạn, dù là con cái, vợ hay chồng, đều bị từ chối vì điều này vi phạm đến quyền bảo mật của bệnh nhân. Nhiều người không hiểu vấn đề tưởng phòng mạch hay nhà thương làm khó dễ nên la lối phòng mạch là cố tình làm khó bệnh nhân (dĩ nhiên không dám là lối nhà thương)…

Một khi những điều kiện trên đã được thoả đáng, bệnh nhân sẽ được trị liệu như thế nào để đáp ứng đúng theo nguyên vọng của mình. Dĩ nhiên có những trường hợp khác bệnh nhân không có quyền tự quyết về trị liệu và không cần lệnh tòa án, thường là những trường hợp cấp cứu trầm trọng có ảnh hưởng đến ích mạng bệnh nhân, cần trị liệu nhanh chóng để cứu chữa cho bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Người đại diện chính thức của bệnh nhân có thể cho ý kiến quyết định thay thế cho bệnh nhân nếu ý kiến ấy không đi ngược với quyền lợi của bệnh nhân, nghĩa là không làm bệnh nặng thêm. Thường thường bác sĩ sẽ trị liệu cho bệnh nhân như những trường hợp thông thường khác phải làm cho một người bệnh với bệnh lý tương tự để bệnh nhân được kết quả cao nhất. Ðối với trẻ con dưới tuổi thành niên, tùy thuộc từng tiểu bang xác định tuổi tác là bao nhiêu thì mới đến tuổi thành niên, ở California là dưới 21 tuổi, bố mẹ bệnh nhân có thể thay thế con cái của mình để quyết định. Sự quyết định cũng hải không đi ngược với quyền lợi của con cái mình, nghĩa là sự quyết định của mình phải giúp cho con cái mình được chữa trị đúng mức và có kết quả tốt. Quyền tự quyết của trẻ con cũng có những vấn đề riêng và nếu có dịp chúng tôi sẽ trình bày trong một bài khác.

3. Những áp dụng chính của quyền tự quyết:

Dưới đây là một vài ví dụ về những áp dụng khác của quyền tự quyết trong trị liệu:

• Sự đồng ý chữa bệnh (informed consent): trước khi bệnh nhân dùng những thuốc có tác dụng phụ cao như thuốc chống ung thư, hay những phương pháp giải phẫu có thể gây hậy quả xấu dù tỷ lệ rất thấp, bệnh nhân phải ký giấy đồng ý cho trị liệu để tránh sự khiếu nại về sau. Có một số chi tiệt cần phải lưu ý trước khi ký giấy đồng ý: – bệnh nhân được giải thích về bệnh lý và cách trị liệu một cách rõ ràng – đọc kỹ các điều lệ trong tờ đồng ý chữa bệnh – nên có thêm người nhà đi kèm theo và cùng thảo luận trước khi đồng ý – bệnh nhân nên đặt những câu hỏi cho người bác sĩ nếu chưa hiểu và nên nói cho bác sĩ biết là mình đã hiểu rõ vấn đề trước khi ký. Ðể quý vị có thể hiểu rõ thêm về sự đồng ý chữa bệnh (informed consent) chúng tôi sẽ viết chi tiết hơn trong một bài riêng về đề tài này.

• Chúc thư y khoa (advavnce directives): đây là một ứng dụng của quyền tự quyết để giúp giải quyết nhiều vấn đề cho bệnh nhân khi bệnh nhân không còn đủ tỉnh trí để tự quyết định về bản thân mình. Về nguyên tắc, có những điều cần biết chung quanh chúc thư tự nguyện áp dụng cho mọi người, mọi lứa tuổi đặc biệt nên làm khi bệnh nhân lớn tuổi và bị bệnh nặng. Chúc thư không thay đổi cách trị và bác sĩ sẽ tiếp tục chữa bệnh như thường cho bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân bị bệnh trở nặng và không còn tỉnh trí nữa. Có thể thay đổi ý kiến bất cứ lúc nào khi bệnh nhân còn sáng suốt, không có ràng buộc gì cả. Bác sĩ phải tuân theo nguyện vọng của người bệnh như bản chúc thư đã ghi rõ, người nhà của bệnh nhân không được làm khác những ý muốn của bệnh nhân. (Vấn đề này đã được đề cặp đầy đủ trong tập san Sống Mạnh số 136.)

4. Kết luận:

Với những điều vừa trình bày trên, chúng tôi hy vọng đã chia sẻ với độc giả những điều cần thiết về một quyền quan trọng của bệnh nhân khi chữa bệnh tại phòng mạch hay tại nhà thương, đó là quyền tự quyết. Tuy nhiên, quyền tự quyết không có nghĩa là bệnh nhân đòi hỏi những gì không phù hợp với bệnh lý và nguyên tắc khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Có nhiều trường hợp, khi vào khám bệnh với bác sĩ, bệnh nhân chưa khai bệnh đã đòi thuốc này thuốc kia không cần biết bác sĩ đã biết mình bị bệnh gì cả, hay có khi đòi đổi thuốc vì tự cho là thuốc ấy có hại, thuốc ấy không hay, không thích hợp với mình mặc dù chưa dùng thuốc đó bao giờ, v.v… Có khi bệnh nhân đòi hỏi những dụng cụ như giầy cho người tiểu đường, những phương tiện đắt giá như xe lăn điện… một cách không cần thiết (phần lớn dựa vào sự mách bảo của bạn bè, quảng cáo của những con buôn). Ðáng buồn là nếu bác sĩ không đáp ứng sự đòi hỏi vô lý của mình thì bệnh nhân lại giận, trách móc bác sĩ và đòi đi chữa bệnh chỗ khác… Tất cả những điều này chỉ là sự lạm dụng, không phải quyền tự quyết!

438 COMMENTS

  1. rajabandot rajabandot
    rajabandot
    hello!,I love your writing so much! share we keep
    up a correspondence extra approximately your article on AOL?

    I need an expert on this area to resolve my problem. Maybe that is you!
    Having a look ahead to see you.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here