Thông thường, khi còn trẻ chúng ta hay có thói ỷ laị vào sức khỏe, nên không thèm đi khám định kỳ hay ăn uống bổ dưỡng. Nhưng khi chúng ta bắt đầu lớn tuổi, ‘máy móc’ bắt đầu rệu rạo thì chúng ta mới bắt đầu quan tâm đến sức khỏe, và lại trở nên thích tìm kiếm những loại thuốc bổ để gia tăng sinh lực chống lại tuổi già. Theo thống kê, cứ một người già (65 tuổi trở lên) hàng ngày uống từ 3 đến 4 loại thuốc không cần toa (over-the counter) thì trong đó có từ 2 đến 3 loại sinh tố (vitamin). Ðiều này, lại càng thấy rõ hơn trong thị trường ‘thuốc bổ’ của Việt Nam đã có đến mấy công ty ‘thuốc bổ’ phát thanh hàng ngày ra rả trên các đài phát thanh Việt Nam các loại ‘thuốc bổ’ này nọ, nhưng thật ra những loại đó cũng giống các loại thuốc sinh tố (vitamin) mà chúng ta có thể mua ở Costco hay Walmart. Vì thế, hy vọng bài viết này sẽ giúp quí vị hiểu các chức năng của các loại sinh tố và liều lượng bao nhiêu là đủ.
Sinh tố và chất khoáng là gì (Vitamin & Minerals)?
Sinh tố với một liều lượng nào đó sẽ rất cần thiết cho các hoạt động sinh hóa trong cơ thể như sự tăng trưởng, tiêu hóa, minh mẫn trí óc, và khả năng miễn nhiễm chống lại các sự nhiễm trùng. Sinh tố cũng thúc đẩy cơ thể tiêu thụ chất béo, chất bột (carbohydrate), và chất đạm. Tuy nhiên, một điều cần nhớ rằng, mặc dù sinh tố tham gia vào các quá trình sinh hóa trong cơ thể để biến thức ăn thành năng lượng (energy), nhưng bản thân sinh tố thì không có calorie, vì thế nó không có khả năng tạo ra năng lượng như nhiều người lầm tưởng, cũng như trên các quảng cáo của các hãng ‘thuốc bổ’ Việt Nam. Có hai loại sinh tố: sinh tố tan trong nước (water soluble) như sinh tố C, B1, B2, B3, B6, folic acid (B9), và B12, và một loại nữa là sinh tố tan trong mỡ (fat-soluble) gồm có sinh tố A, D, E, K.
{quotes}Chất khoáng giúp cơ thể điều hòa hoạt động của các tế bào, chất khoáng được ví như một chất xi măng bảo vệ cho các tế bào và các cơ quan trong cơ thể. {/quotes}Chất khoáng gồm có chất vôi (Calcium), Magnesium, Natri (Sodium), Kali (Potassium), lưu huỳnh (Sulfur), và Chloride. Ngoài ra, cơ thể cũng cần một liều lượng nhỏ các chất như đồng (Copper), Fluoride, Iodine, sắt (iron), kẽm (Zinc), chromium, manganese.
Liều lượng cho phép dùng (Recommended Dietary Allowance, RDA): Ðây là số lượng cần thiết của sinh tố hay chất khoáng cần thiết cho một người khoẻ mạnh dùng hàng ngày. Con số này được quy định bởi Bộ thực phẩm và dinh dưỡng quốc gia (Food and Nutrion Board of the Institute of Medicine). Tuy nhiên, con số cũng sẽ khác nhau cho từng giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, hay phụ nữ mang thai.
Sinh tố tan trong nước: (sinh tố C & B)
Sinh tố C: có nhiều trong các loại rau quả, trái cây đặc biệt như ớt đỏ, đu đủ, trái dâu, kiwi, broccoli. Liều lượng cho phép dùng (RDA) từ 75-90mg một ngày, tuy nhiên cũng có thể vượt qua liều lượng này khoảng 500mg/ ngày để đạt được hiệu quả kháng oxid hóa (antioxidant). Công dụng của sinh tố C là giúp cơ thể tái taọ chất collagen cho da và giúp cho các vết thương mau lành. Cũng có những ý kiến cho rằng sinh tố C có khả năng chống ung thư và bệnh tim mạch, nhưng những tài liệu cũng không được rõ ràng là phải dùng liều lượng bao nhiêu để đạt được hiệu quả đó. Cũng không có những tài liệu nào cho thấy người già không hấp thụ được sinh tố C. Thiếu sinh tố C hoàn toàn (rất hiếm) có thể gây ra bệnh hoại huyết (scurvy), điều này đã từng xảy ra trên những con tàu thời xưa lênh đênh trên biển hàng tháng trời không có rau quả xanh trong thực phẩm. Phản ứng phụ của sinh tố C là có thể gây cho nước tiểu đổi màu, với liều lượng hơn 2 gm một ngày có thể gây ra đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, và sạn thận. Tuy nhiên, ngộ độc do sinh tố C thì rất hiếm, vì thông thường nếu sinh tố C thặng dư trong cơ thể, sẽ được bài tiết theo nước tiểu.
Sinh tố B-6 (pyridoxine): Có tác dụng làm giảm chất homocystein trong máu, là chất mà người ta tin rằng là một trong những nguyên nhân gây ra bị nhồi máu cơ tim (heart attack). Sinh tố B-6 cũng có khả năng tăng cường hệ miễn nhiễm, sự minh mẫn trí óc, hay thiếu máu. Thiếu sinh tố B-6 cũng thường thấy ở người già do sự kém hấp thụ sinh tố B-6 từ thức ăn của bộ tiêu hóa. Vì thế, một viên thuốc đa sinh tố (multivitamin) có chứa khoảng 2 mg một ngày là đủ. Uống quá nhiều sinh tố B-6 có thể gây tổn hại những dây thần kinh ngoại biên gây ra chứng tê chân tay. Tuy nhiên, triệu chứng cũng sẽ hết nếu ngưng dùng sinh tố B-6. Ngoài ra, các bác sĩ cũng thường cho sinh tố B-6 cho các bệnh nhân đang uống thuốc chống lao (Isoniazide) để làm giảm phản ứng phụ của thuốc này là làm chân tay tê cứng.
Sinh tố B-12 (Cobalamin): Thông thường, người già thường không hấp thụ chất này tốt, thiếu sinh tố B-12 thường gây ra thiếu máu, bệnh tim mạch. Liều lượng cần hàng ngày là 2 mcg.
Sinh tố B-9 (Folic Acid): Sinh tố B-9 (Folic acid) rất quan trọng trong việc tạo hồng huyết cầu (red blood cell), tiêu hóa chất đạm. Nó có thể cùng với sinh tố B-6 và B-12 là giảm chất homocystein trong máu như đã trình bày trên. Nếu quí vị bị thiếu máu, phải nên tham khảo ý kiến với bác sĩ xem có nên uống Folic acid không, vì nếu lượng Folic acid cao sẽ làm cho việc chẩn đoán thiếu máu do sinh tố B-12 thêm khó khăn.
Sinh tố B-3 (Niacin): Sự thiếu hụt sinh tố này ở người già thường rất hiếm. Liều lượng cho phép hàng ngày từ 13-15 mg mỗi ngày. Thông thường, thức ăn hàng ngày như gạo, các loạt hạt, rau lá, cá thường cung cấp đủ lượng sinh tố B-3 cần thiết. Liều lượng cao như 500 mg-3000 mg mỗi ngày thường được dùng để hạ cholesterol, tuy nhiên, với liều lượng cao như vậy, Niacin sẽ gây ra rất nhiều phản ứng phụ như ngứa ngáy, nhức đầu, loét bao tử, tăng lượng uric acid, tăng huyết đường, và hại gan. Vì thế, nên tham khảo với bác sĩ trước khi sử dụng Niacin với liều lượng cao để giảm cholesterol.
Nói chung, các loại sinh tố B thường có nhiều trong các loại gau, hạt, rau quả, trứng, khoai tây, thịt cá, và sữa. Các loại thuốc viên sinh tố B-complex thường chứa các loại sinh tố B cần thiết hàng ngày và cũng có rất nhiều trên thị trường.
Sinh tố tan trong mỡ (A, D, E, K)
Ðể dễ nhớ, khi còn đi học tác giả đã đặt ra là ‘Anh Ði Em Khóc’ tượng trưng cho bốn loại sinh tố tan trong mỡ A, D, E, K.
Sinh tố A: Thường có nhiều trong các trứng, sữa, cá, bơ, cà rốt, broccoli, gan động vật dưới dạng beta-carotene. Sau khi vào cơ thể sẽ biến hóa thành sinh tố A. Có nhiều giả thuyết cho rằng sinh tố A có khả năng ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư, tuy nhiên giả thuyết cũng không có căn cứ vững chắc và cũng còn nhiều tranh cãi, và có nhiều nghiên cứu cho thấy Beta carotene có thể gây ra ung thư và bệnh tim mạch. Liều lượng hàng ngày từ 800 mcg- 1000 mcg. Khi uống quá liều,sẽ gây ra ngộ độc gồm có ói mửa, đau nhức khớp, mệt mỏi. Vì thế, không nên tự uống sinh tố này một mình, phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Sinh tố D: Là sinh tố cần thiết cho sự hấp thụ chất vôi (Calcium) trong cơ thể để phát triển xương chống lại sự rỗng xốp. Thường có nhiều trong các loại sữa, trứng, cá và từ ánh sáng mặt trời. Sự thiếu hụt sinh tố D rất thông thường trong người già, đặc biệt các cụ ở trong việc dưỡng lão, hay ở trong nhà không ra ngoài ánh sáng mặt trời. Liều lượng cho phép là 200 IU một ngày, tuy nhiên liều cao hơn như 400-800 IU một ngày được dành cho người bị rỗng xương (osteoporosis). Ngộ độc có thể xảy ra cho liều cao từ 50,000-100,000 IU, những triệu chứng ngộ độc như ói mửa, nhức mỏi mình mẩy, táo bón, cao máu, và suy thận. Sinh tố D thường được bán với dạng tổng hợp với Calcium ở ngoài thị trường.
Sinh tố E: Sinh tố E thường có nhiều trong các loại dầu thực vật, rau xanh, và các loại hạt. Liều lượng nên dùng hàng ngày là 12-15 IU. Tuy nhiên, liều lượng lớn từ 400-800 IU sẽ gia tăng sự kháng oxid hóa của nó cho việc phòng bệnh ung thư. Gần đây, cũng có những nghiên cứu cho rằng sinh tố E có khả năng chống các bệnh tim mạch, tuy nhiên kết quả cũng không mấy khả quan. Sinh tố E với liều lượng 1000 IU ngày hai lần đang được dùng để giảm sự tiến triển của bệnh Alzheimer (bệnh lãng trí ở người già), tuy không có những dữ kiện gì cho thấy sinh tố E có khả năng tăng cường trí nhớ ở người bệnh hay không. Ngộ độc về sinh tố E rất hiếm, tuy nhiên liều lượng cao có thể ảnh hưởng đến sự đông máu ở những đang uống các thuốc loãng máu như warfarin. Cũng như các bệnh nhân có các bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt, suy gan hay bệnh đường ruột cũng nên tham khảo với Bác sĩ trước khi dùng sinh tố E.
Sinh tố K : Ðây là sinh tố giúp cho sự đông máu, nó thường có trong sữa hoặc các sản phẩm của sữa, trái cây, rau xanh. Nó cũng là sinh tố duy nhất được bào chế từ các loại vỉ trùng ở đường ruột. Liều lượng hàng ngày nên dùng là 65-80 mcg. Trong thức ăn trung bình hàng ngày chứa khoảng 300-500 mcg/ ngày. Sự thiếu hụt sinh tố K là do sử dụng trụ sinh lâu ngày và các loại thuốc loãng máu. Những bệnh nhân đang uống thuốc loãng máu (warfarin) nên kiểm tra với bác sĩ trước khi uống sinh tố K, cũng như nên cẩn thận khi ăn các loại rau xanh vì một số loại rau xanh chứa rất nhiều sinh tố K.
Các loại chất khoáng:
Calium: Calcium rất cần thiết để duy trì sự vững chắc của xương, đặc biệt đối vơí người già. Nó được chứa nhiều trong sữa, broccoli, nước cam. Liều lượng cần thiết hàng ngày cho người già là 1000-1500 mg. Thông thường người già không có đủ calcium trong khi ăn uống (1 ly sữa 8oz chỉ chứa có 300 mg Calcium mà thôi). Hầu hết, các loại thuốc viên đa sinh tố (Multivitamin), đều chứa khoảng 200-300 mg Calcium mà thôi, vì thế việc uống thêm Calcium cho người già là cần thiết. Các loại Calcium đều có tác dụng giống nhau, chỉ có khác nhau ở thành phần muối Calcium chỉ ảnh hưởng đến độ thẩm thấu của Calcium vào cơ thể mà thôi. Calcium Carbonate, Calcium Citrate, Calcium Gluconate là ba loại muối Calcium khác nhau, trong đó Calcium Carbonate và Calcium Citrate chứa nhiều Calcium hơn, còn Calcium gluconate thì có ở dạng thuốc chích. Calcium Citrate thì hấp thụ tốt hơn ở người già, đặc biệt những người đang uống các loại thuốc bao tử như Pepcid, Zantac, Prevacid, Prilosec, Nexium…Liều lượng trung bình cho Calcium là 500mg ngày ba lần. Calcium không gây ra táo bón như nhiều người lầm tưởng, nó cũng hiếm khi gây ra đầy hơi. Những bệnh nhân đang uống thuốc về Thyroid hay thuốc sắt (Iron) nên uống Calcium cách ra khoảng 2-3 tiếng để không tương tác với thuốc cho tuyến giáp trạng (thyroid) hay sắt. Ðiều nên nhớ rằng, các loại Calcium đều tác dụng như nhau, nên đừng nghe những quảng cáo bịp bợm mà tốn tiền mua những loại viên Calcium khác tốn tiền, cứ mua Oscal D ở Costco hay Walmart vừa rẻ và vừa tốt nữa.
Sắt (Iron): Mặc dù sắt thường được bác sĩ khuyên phụ nữ đang mang thai hay thiếu máu do sắt uống thêm. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng dư chất sắt có thể dẫn đến nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư ruột già (colon cancer) đặc biệt cho những phụ nữ sau khi tắt kinh. Vì thế, nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ trước khi uống thêm chất sắt, vì trong thức ăn hàng ngày cũng chứa rất nhiều chất sắt đặc biệt trong rau xanh và thịt đỏ.
Magnesium: Magnesium đóng vai trò quan trọng trong sự co bóp của bắp thịt, truyền đạt chất dẫn truyền của dây thần kinh, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong một số phản ứng sinh hóa trong cơ thể để tạo ra năng lượng. Ðối với những người lớn tuổi, uống thêm Magnesium, dễ bị các phản ứng phụ của thuốc như đau bụng, ăn không ngon, tiêu chảy, tim đập không bình thường. Một số thuốc chống acid bao tử cũng chứa Magnesium. Liều lượng cho phép là 400 mg một ngày.
Kẽm (Zinc): Có tác dụng làm mau lành các vết thương. Một số nghiên cứu cho ra những kết quả khác nhau về uống thêm Kẽm sẽ gia tăng thêm hệ miễn nhiễm ở người già. Vì thế, việc uống thêm chất Kẽm để gia tăng hệ miễn nhiễm cũng còn đang trong vòng bàn cãi. Liều lượng cho phép trong ngày là 15mg một ngày.
Nguồn sinh tố tốt nhất:
Nguồn sinh tố tốt nhất cho mọi người là thức ăn hàng ngày. {quotes align=right}Ðặc biệt là các loại rau quả còn cung cấp chất sơ (fiber) rất tốt cho cơ thể, có thể bảo vệ cơ thể chống các loại bệnh khác nhau. {/quotes}
Những điều nên biết khi mua thuốc bổ sinh tố:
Ðừng mua thuốc đa sinh tố có quá nhiều % một loại sinh tố:
Tránh không nên mua thuốc đa sinh tố chứa một loại sinh tố quá nhiều, còn các loại kia thì ít. Hầu hết các trường hợp ngộ độc về thuốc bổ đều xảy ra cho quá liều lượng của một loại sinh tố nào đó. Ngoại trừ, trường hợp của Calcium trong các viên đa sinh tố, như đã nhắc ở trên Calcium trong các viên đa sinh tố vẫn không đủ liều lượng cho một số bệnh.
Phải có nhãn hiệu USP:
Ðây là nhãn hiệu được cầu chứng tại cơ quan US Pharmacopeia (USP) để bảo đảm về mặt chất lượng, độ tinh khiết, nồng độ của thuốc bổ.
Phải xem chừng thuốc quá hạn:
Thuốc bổ sẽ giảm bớt hiệu quả nếu đã quá hạn, đặc biệt trong thời tiết nóng và ẩm. Nếu một lọ thuốc bổ không có ngày quá hạn (expiration date), thì đừng nên mua.
Coi chừng những lờI quảng cáo:
Ðã có nhiều lời quảng cáo về sự khác biệt về loại thuốc bổ ‘thiên nhiên’ (natural vitamin) và loại thuốc bổ bào chế (synthetic vitamin). Trên thực tế, thì chúng không khác nhau về mặt công dụng và hiệu quả. Ðừng vì thế, mà bỏ tiền quá đắt một loại thuốc bổ nào vì chúng là ‘thiên nhiên’ không ‘side effect’ hay vì chúng được thêm vào những loại dược thảo này nọ.
Luôn tham khảo vớI Bác sĩ hay Dược sĩ:
Ðặc biệt là các bệnh nhân đang bị những bệnh suy thận, suy gan, bệnh kinh niên, đang uống các loại thuốc loãng máu, thuốc tuyến giáp trạng.
Giữ thuốc bổ ở nơi an toàn, khô ráo:
Luôn giữ thuốc bổ ở nơi khô ráo, tránh những nơi có trẻ em. Luôn giũ trong lọ có nắp an toàn cho trẻ em, đặc biệt những thuốc bổ có chứa chất sắt.
Uống thuốc bổ không gây mập:
Một số người có quan niệm sai lầm là uống thuốc bổ làm lên cân, vì thực tế sinh tố không có ‘calorie’ thì làm sao gây mập được, và sinh tố cũng không tạo cho chúng ta gia tăng ‘năng lượng’ vì nó không có ‘calorie’.
Kết luận:
Nguồn sinh tố tốt nhất vẫn là từ thức ăn hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, đối với những người già do cơ thể bắt đầu không thể hấp thụ một số sinh tố, hoặc do ăn uống kém đi do không ngon miệng hoặc do một số bệnh về đường tiêu hóa, gan, thận, hay rỗng xương, nên bác sĩ thường khuyên nên uống thêm sinh tố và chất khoáng. Vì thế, luôn tham khảo ý kiến với bác sĩ, hay dược sĩ và luôn tuân theo những lời hướng dẫn của họ. Vì có một số sinh tố, uống vào nhiều sẽ có nguy cơ tim mạch hay ung thư như sinh tố A (beta carotene), chất sắt. Hay sinh tố E và K có ảnh hưởng đến sự đông máu, sẽ tương tác với các thuốc loãng máu. Và sinh tố nào cũng giống nhau và có hiệu quả như nhau vì thế đừng bỏ tiền ra mua một loại sinh tố nào đó vì được ‘quảng cáo’ là tốt hơn các loại khác mà ‘tiền mất tật mang’.