Có lẽ, trong những mẫu đối thoại hàng ngày của chúng ta, một bộ phận trong cơ thể đươc mọi người hay nhắc tới đó là gan.  Thí dụ như gan quá, hay nhát gan, gan cùng mình, gan cóc tía vân vân. Và đối với những người học thuốc thì gan là bộ phận quan trọng tương đương với thận và phải luôn chú ý theo dõi vì có những loại thuốc bài tiết theo thận, có những loại tiêu hóa qua gan, và có những loại thuốc xung tác với nhau qua gan. Và lại càng nhức đầu hơn, khi các loại dược thảo, thần dược mọc ra như nấm, và loại nào cũng quảng cáo là trị bá bệnh, không có phản ứng phụ (side effects) đến khi bệnh nhân uống vào thì than ôi gan sưng, thận hỏng và xung tác lung tung với các loại thuốc Tây làm cho bác sĩ cũng nhức đầu và bệnh nhân thì bị hư gan. Có lẽ trong thời gian gần đây, những báo cáo của các loại dược thảo gây ra sưng gan, suy gan đã liên tục được gửi về Cơ Quan Quản trị Dược Phẩm & Thực Phẩm. Hy vọng, trong khuôn khổ của bài viết này, sẽ giúp quí vị tìm hiểu về các loại dược thảo gây hại gan, để có thể tránh tiền mất, hại gan.

Chaparral:

Chaparral xuất xứ từ người thổ dân da đỏ, nó xuất hiện trên thị trường dưới dạng trà, viên con nhộng, và syrup.  Nó được quảng cáo có công hiệu tẩy máu làm cho máu huyết trong người sạch sẽ có thể trị được những bệnh ung thư hay mụn nhọt. Ðã có sáu trường hợp (5 tại Hoa Kỳ và một tại Canada) đã gây ra viêm gan (non-viral hepatitis), xin đừng lầm tưởng với các loại Hepatitis A, B hoặc C là do virus gây ra. Trong sáu trường hợp kể trên, thì có ba trường hợp gan trở lại hoạt động bình thường sau khi ngưng thuốc một thời gian dài, còn hai trường hợp bị suy gan mãn tính, và một trường hợp gan bị hư hại hoàn toàn, cần phải thay gan (liver transplant).

Trong những trường hợp trên hầu hết là do bệnh nhân uống các loại thuốc dạng viên và cũng vài trường hợp bệnh nhân uống nhiều dạng cùng lúc như (viên con nhộng, trà) có chứa Chaparral. Và khi người ta phân tích trong phòng thí nghiệm thì người ta không tìm thấy các loại tạp chất nào có thể gây viêm gan. Như vậy, chính chất Chaparral là nguyên nhân gây ra suy gan.

Comfrey:

Comfrey là một loại rễ cây dược thảo có công dụng làm giảm đau, sưng, bầm ở các bắp thịt. Nó được bán ra ở loại thuốc viên, thuốc bôi, trà. Kể từ năm 1985, đã có 7 trường hợp bị xơ gan (cirrhosis) do chứng nghẽn tĩnh mạch gan (hepa veno-occlusive disease) vì bệnh nhân sử dụng các loại thuốc dược thảo có chứa Comfrey.

Comfrey, cũng như một số các loại cây khác có chứa pyrrolizidine alkaloids, rất phổ biến với chứng nghẽn tĩnh mạch gan. Chứng này thông thường gây ra suy gan cấp tính, nếu nhẹ hơn thì gây ra sơ gan mãn tính (chronic liver cirrhosis).  Cũng có những báo cáo về chứng này đối với trẻ sơ sinh vì bà mẹ đã uống các loại trà dược thảo có chứa Comfrey trong lúc đang mang thai.

Hiện nay, đã có bốn quốc gia (Anh, Úc, Gia Nã Ðại, và Ðức) đã cấm bán các dược thảo có chứa Comfrey, và một vài quốc gia khác cần phải có toa bác sĩ mới mua được Comfrey.

Kava:

Kava thường được gọi với tên Kava-Kava, là một loại cây sinh sống tại vùng Nam Thái Bình Dương, và được các thổ dân ở đây dùng như một loại rượu dùng để mời khách quý từ nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, Kava còn được trồng nhiều tại các đảo Fiji, Tonga, Samoa, và Vanuatu.Khoảng hai thập niên vừa qua, Kava được giới thiệu vào Châu Âu và Hoa Kỳ như một loại thuốc an thần dùng để trị sự hồi hộp, mất ngủ, âu lo, mệt mỏi. Và Kava đã trở thành 10 loại dược thảo bán chạy nhất. Vào thoạt ấy, giới “thầy lang” khẳng định rằng Kava không có những phản ứng phụ, và nếu có thì cũng rất ít không đáng kể. Tuy nhiên, trong khoảng vài năm đây, đã có nhiều báo cáo về hiện tượng nhiễm độc gan (hepatotoxicity) xảy ra ở Châu Âu và Hoa Kỳ, trong đó có 36 trường hợp ở Châu Âu nhiều nhất tại Ðức và Thụy Sĩ và 5 trường hợp ở Hoa Kỳ.  Hầu hết, các trường hợp đều xảy ra những triệu chứng như vàng da (jaundice), ứ mật trong gan (cholestatic hepatitis), viêm gan cấp tính dẫn đến xơ gan và 4 trường hợp gan bị hư hại hoàn toàn cần phải thay gan.

Ðặc biệt, khi những báo cáo này được đưa ra, người ta liền so sánh những thống kê và nghiên cứu về những thổ dân ở vùng Nam Thái bình Dương đã uống nước Kava trong nhiều thế kỷ qua, thì ngưòi ta nhận thấy những thổ dân này lại không bị suy gan hay nhiễm độc gan như các trường hợp ở Châu Âu và Mỹ. Sau khi phân tích các viên Kava được bày bán trên thị trường, người ta nhận thấy có các tạp chất gây ra nhiễm độc gan như acetone, ethanol, hay chloroform mà các “thầy” trong lúc bào chế đã bỏ vào hay không được tinh chế kỹ lưỡng, những chất này hoàn toàn không có trong các loại nước ép ra từ Kava mà các thổ dân đã uống từ nhiều thế kỷ trước.

Kết luận:

Trên đây là những điểm qua những dược thảo đã bị Cơ Quan Quản Trị Thực và Dược Phẩm (FDA) khuyến cáo những tác hại cho gan của nó, mặc dù trên thị trường còn đang bày bán các loại dược thảo khác cũng mang tính xung khắc với gan khi dùng chung với các loại thuốc Tây khác. Vì thế, khi đi mua các dược thảo luôn luôn xem phần Ingredient xem trong đó có chứa các chất dược thảo nào, và nếu sau khi uống thấy có các triệu chứng gì thì phải báo cáo với bác sĩ hay dược sĩ của quý vị biết, nếu cần chúng ta có thể báo cáo lên cơ quan FDA để họ điều tra. Vì trong điều luật về Dược Thảo, đã có một kẻ hơœ là “các dược thảo được bày bán trên thị trường như một phụ phẩm (supplement dietary) cho đến khi có những báo cáo về sự không an toàn của chúng”. Vì thế, nếu chúng ta cứ “ngậm đắng nuốt cay” mà không báo cáo những tác hại của nó, thì cơ quan FDA không thể ngăn chặn các dược thảo này được bày bán.


1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here