Tôi nghĩ ra đề tài này sau khi nhận được một câu hỏi qua email rất thú vị của một người đàn ông: “tôi biết có nhiều người đàn bà rất ghét chồng, tại sao vậy? Thậm chí có bà còn đánh chồng nữa. Có phải chăng cái giá phải trả cho sự yêu thương, là sự thù ghét?”.

Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này, là, người đàn bà cảm thấy ghét chồng khi nhu cầu bình thường và hợp lý của nàng không được đáp ứng. Trong đa số trường hợp, lý do không phải là vì người đàn ông không thương vợ, mà vì không biết cách săn sóc người đàn bà.

CẦN CÓ MỘT THÁI ÐỘ NGHIÊM CHỈNH

Trước hết, tôi phải công nhận là chăm sóc một người đàn bà rất khó cho người đàn ông, lý do là vì người đàn bà suy nghĩ và cảm nhận khác người đàn ông (Men Are From Mars, Women Are From Venus, như tác giả John Gray đã viết). Do đó, muốn thành công trong việc săn sóc người đàn bà, người đàn ông cần nghiêm chỉnh học hỏi, bỏ thì giờ quan sát và nghiên cứu, như ngày xưa nghiêm chỉnh suy nghĩ chiến lược chinh phục họ. Ðừng say men chiến thắng, đem chiến lợi phẩm là người đàn bà về bỏ lơ vào một góc phòng, coi như đã xong việc. Quý ông cần xem vấn đề săn sóc người đàn bà là một công tác, một dự án cần thực hiện, giống như mua một chiếc xe hơi mới về, cần xem kỹ cuốn cẩm nang bảo trì và săn sóc, cần đánh bóng, lau sạch, nâng niu, ngắm nghía, và đem khoe cùng hàng xóm, bạn bè. Một người chồng đã tâm sự với tôi: “săn sóc người yêu rất dễ, không cần ai dạy, nhưng săn sóc người vợ rất khó!!!”.

TẠI SAO LẠI PHẢI CHĂM SÓC NGƯỜI ÐÀN BÀ?

Bỡi vì, trước hết, bạn yêu họ, thương họ, nên mới kết hôn, mong mỏi ăn đời ở kiếp với họ. Khi mình thương ai, mình tự nhiên trong lòng muốn săn sóc người đó, mong làm cho họ hạnh phúc. Nếu bạn không cảm thấy muốn mất công làm điều này, thì hoặc là bạn không yêu vợ, hoặc là bạn không có khả năng săn sóc vợ, nên mới thấy việc săn sóc vợ là một điều cực nhọc, mệt mỏi cần né tránh.

Bởi vì, nếu bạn thành công trong công tác này, bạn sẽ trở thành một người đàn ông hạnh phúc nhất đời. Người đàn bà lúc nào cũng đầy lòng hy sinh cho chồng, cho con, đầy tình thương, lại bền bỉ, chịu đựng, khi được săn sóc đúng nhu cầu, sẽ hy sinh nhiều hơn nữa, sẽ đem lại hạnh phúc và thành công cho bạn nhiều hơn nữa. Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người đàn bà trong sự thành công và hạnh phúc của người đàn ông. Một vài nhân vật tiêu biểu là đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và Nancy Reagan.

Một người chồng khi săn sóc vợ, đã tâm sự với tôi: “bà xã vui, là cả nhà vui, bà xã buồn, là cả nhà buồn”.

NỖI LO LẮNG CỦA NGƯỜI ÐÀN ÔNG

Xã hội đặt nhiều kỳ vọng nơi người đàn ông: thành công trong công việc, vẻ vang ngoài xã hội, lãnh đạo cả một đất nước, và còn phải có khả năng đem hạnh phúc đến cho người đàn bà, phải có khả năng nuôi dạy các con trở thành người hữu dụng. Hình ảnh một ứng cử viên lý tưởng, ngoài bằng cấp, thành tích và quá trình hoạt động, còn là một mái gia đình gương mẫu, xứng đôi vừa lứa với người bạn đường. Cử tri còn muốn thấy người đàn ông nể trọng, lịch sự và chăm sóc người đàn bà, thể hiện qua những cử chỉ nho nhỏ: nàng bao giờ cũng đi trước chàng một bước hoặc nửa bước; thỉnh thoảng chàng quàng vai nàng siết nhẹ, bày tỏ sự quan tâm; chàng đưa tay đỡ nàng bước qua các nấc thang; và chắc chắn, nếu không có tài xế mở cửa xe cho nàng, chính chàng sẽ làm điều đó.

Bảo sao người đàn ông không lo lắng cho được!

Tôi hiểu tại sao có rất nhiều nguời đàn ông thành công trong công việc và địa vị, lại thất vọng thê thảm trên tình trường và trong đời sống vợ chồng. Mà đa số là như thế. Ðược cái này, mất cái kia. Bao nhiêu tâm trí đều dành trọn cho sự nghiệp, công việc, để bon chen với đời, cưới vợ là hy vọng được vợ chăm sóc cho, cớ đâu mà ngày hôm nay lại nghe bác sĩ Lê Phương Thúy nói phải xem việc săn sóc người đàn bà như một dự án riêng. Nghe mà mệt mỏi quá. Có ông mộng bình thường, không nhiều tham vọng, săn sóc vợ đầy đủ thì bị những bà vợ than phiền “sao anh không ra ngoài tranh đua, xem anh A, anh B, họ thành công, nổi tiếng, tiền bạc rủng rỉnh, còn anh thì tàng tàng an phận, không thỏa chí tang bồng”. Ðúng như vậy, người đàn bà quả có đòi hỏi người đàn ông phải thành công trên đường đời: “trai tài, gái sắc”. Ðàn bà mê tài, đàn ông mê sắc. Ðàn ông giỏi giang, thành công, có địa vị là một hình ảnh trong mơ của người đàn bà. Nhưng nói đến hạnh phúc gia đình thì hạnh phúc này đòi hỏi những yếu tố hầu như khác hẳn: cả vợ lẫn chồng đều phải bỏ thì giờ và tâm huyết vào việc xây dựng mái gia đình, trong đó, người đàn ông cần quan tâm đến việc săn sóc người đàn bà và săn sóc các con, điều mà những người đàn ông có lý tưởng và đam mê thường thiếu sót.

Có những ông đành chọn một bỏ một: xây dựng sự nghiệp, theo đuổi đam mê, lăn lộn trên trường đời, trở thành những thương gia giàu có, những lãnh tụ tài ba, những bác học, khoa học gia tài giỏi, có những khám phá lớn, thay đổi vận mạng con người, và không màng tới vợ con. Họ chấp nhận những mối tình tạm bợ, qua đường, không trách nhiệm và bổn phận. Chăm sóc một người đàn bà rất khó, chăm sóc một mái gia đình càng khó hơn. Thà chấp nhận ngay từ đầu còn hơn vương mang làm khổ người đàn bà. Ðó là chưa kể, khi người đàn bà không được săn sóc và thỏa mãn nhu cầu, nàng chắc gì sẽ ngồi yên, nàng sẽ kiếm chuyện, và trở thành một mối lo không nhỏ, có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của người đán ông. Chúng ta nghe không ít chuyện những cặp vợ chồng thành đạt, nổi tiếng, giàu có, nhưng ông ăn chả bà ăn nem, hoặc người đàn ông lại có những thói hư tật xấu vượt ra ngoài trí khôn và sự tự chế bình thường. Tại sao? Tại vì những mối tình tạm bợ và lẻ tẻ này là những khoảnh khắc vui thú, như uống ly ruợu, hút một điếu cần sa, để đầu óc bớt căng thẳng, không bao hàm trách nhiệm phải săn sóc lẫn nhau. Hoặc có săn sóc thì cũng chỉ là một đêm vui, một tháng trăng mật rồi đường ai nấy đi, không dây nhợ trì kéo. Tôi cũng không quên nói thêm những rắc rối do những người đàn bà qua đường này gây ra, để làm tiền, hoặc để cố gắng kéo dài thêm một tình cảm ngắn hạn qua đường. Quý độc giả hay đi xem phim chắc cũng biết phim Fatal Attraction, do Glenn Close và Michael Douglas đóng: cả hai bên đến với nhau bằng một “đêm qua đường” (one night stand), nhưng sau đó thì nàng không chịu ngừng lại ở đó. Chàng trở thành một ám ảnh của nàng và kết quả rất bi thương.

Chúng ta cũng nghe chuyện vợ đẹp, nhân tình xấu. Người đàn bà càng đẹp càng đòi hỏi nhiều vì biết mình đẹp, mình lại là người vợ chính thức đem lại sự nghiệp và thành công cho chồng. Còn cô nhân tình xấu thì an phận, được “quân tử” chiếu cố thì may mắn và sung sướng lắm rồi, có dám đâu đòi hỏi. Nàng còn phục vụ tối đa nữa.

Có người lại hỏi, biết lo cho một người đàn bà là khó khăn như vậy, tại sao còn đèo bồng, hai, ba, bốn năm người đàn bà? Tôi sẽ không ngạc nhiên khi cuộc tìm hiểu nguyên nhân cho thấy những người đàn bà thứ hai thứ ba này là những người chấp nhận nếp sống tạm bợ, không cẩn được người đàn ông săn sóc, mà chính họ bằng lòng săn sóc người đàn ông có tính cách một chiều, không cần đền đáp, không cần ngôi vị xã hội. Có những người đàn bà có quan niệm sống khác những người đàn bà kiểu mẫu trong xã hội. Họ quan niệm: “một đêm quân tử nằm kề…”. Họ thấy hài lòng với nếp sống được người đàn ông có địa vị quan tâm tới, dù chỉ một đêm, một vài giờ trong đời. Nhiều khi họ còn hãnh diện về điều này là khác nữa.

Tôi viết bài này với mục đích giúp quý nam độc giả biết cách săn sóc người đàn bà. Tôi viết cho những người đàn ông thực sự thương yêu vợ, rất muốn làm cho vợ hài lòng và hãnh diện về mình, nhưng vụng về không biết làm sao, vì làm gì cũng thấy trật, cũng bị cằn nhằn và chê trách.

Trước hết, tôi phải công nhận là chỉ có một số ít các ông biết cách chăm sóc các bà, và có khả năng làm điều này. Trong số này, loại sở khanh không phải là hiếm. Chúng ta nghe biết bao là chuyện những người đàn ông trăng hoa bay bướm, ăn bám vào người đàn bà, thậm chí còn lường gạt tiền của để vui chơi với người đàn bà khác, nhưng vẫn được các bà  chào đón khi trở về. Có bà còn tai lơ mắt lấp, xem như không thấy những lỗi lầm chí tử của họ, để tiếp tục đến với họ, chỉ vì, ít nhất, các bà có được hạnh phúc và sự chăm sóc khi ở gần họ. Quan sát những người đàn ông này, chúng ta sẽ thấy, họ xem việc săn sóc và chiều đãi các bà như là một dự án, một mục đích sống của đời họ. Ðúng như vậy, học hành thì không tới đâu, đi làm thì được chừng vài tháng là mất việc, suốt ngày chỉ quần áo bảnh bao la cà quanh quẩn bên những người đàn bà và sống bám vào họ. Nói rõ ra, họ xem việc chinh phục được một người đàn bà để lo cho họ là mục đích của đời họ. Cho nên họ chăm sóc đàn bà rất tài tình, họ hiểu rõ tâm lý đàn bà. Họ chăm sóc khéo đến nỗi các bà thấy việc mất tiền nuôi họ là không quan trọng, thậm chí đến việc san sẻ họ với những người đàn bà khác cũng được bỏ qua, vì trong thời gian ở gần người đàn bà nào thì họ chăm sóc hết mình và khéo léo cho người đàn bà đó. Họ nắm vững những nguyên tắc và thi hành triệt để.

Một số lớn những người đàn ông khác, không có khả năng săn sóc người đàn bà, cho dù có muốn hay không. Chính vì vậy, mà tôi vẫn thường báo động cho các bạn gái, là cần nhận diện những người đàn ông này, để đừng mơ mộng hão huyền, để đặt họ đúng vào vị trí của họ. Nếu lỡ yêu thì cứ yêu nhưng đừng đem thằng ngốc về mong biến chàng thành hoàng tử hào hùng bảo bọc cuộc đời mình. Tình trạng tảo hôn hoặc mua dâu ngày xưa là những cạm bẫy kết chặt cuộc đời người đàn bà để phục vụ cho người đàn ông thay vì là một cuộc hôn nhân xứng đôi vừa lứa. Có rất nhiều cha mẹ biết con trai mình kém cõi hoặc có bệnh tật, nên dùng tiền của hoặc thế lực cưới dâu về như tìm một người giúp việc không công, mang danh nghĩa vợ chồng. Tại văn phòng của tôi, tôi đã có dịp khảo sát và khám nghiệm nhiều người đàn ông về Việt Nam cưới vợ, chứng nhận là họ không có bệnh tâm trí để họ có thể cưới vợ ở Việt Nam..

CÁCH CHĂM SÓC NGƯỜI ÐÀN BÀ

Dĩ nhiên là chăm sóc càng nhiều càng tốt, nhưng tôi muốn tóm gọn lại trong mười điều để dễ nhớ. Trong mười điều này, nếu nhớ được hết thì rất tốt mà nhớ được ba bốn điều cũng đã là tốt lắm rồi, không đến nỗi bị “ghét” như trong câu hỏi của vị nam thính giả kể trên.

1.      Quan sát những công việc hàng ngày của người đàn bà và tìm cách làm giúp nàng những công việc đó. Thí dụ như nếu nàng làm bếp, bạn có thể lặt rau, rửa rau, bày bàn (hoặc điều khiển các con làm), đem rác ra, lái xe ra chợ mua những thứ lặt vặt thiếu sót vào giờ chót, mài dùm nàng con dao cùn, khui đồ hộp v. v… những công việc thích hợp với người đàn ông mà bạn thấy có thể làm được. Nếu đang bận, bạn có thể cho nàng biết là bạn sẽ rảnh vào khoảng giờ nào để giúp nàng. Ði chợ cùng với nàng, hoặc mở cửa, đem đồ vào nhà, chất đồ vào tủ lạnh. Ðể ý những việc nặng như khiêng bao gạo vào nhà, khiêng két bia, thùng nước v.v… Ðừng ngần ngại hỏi nàng rằng: em có muốn anh giúp em điều gì không? Khi bạn quá bận, hãy dặn trước với nàng là: “anh đang làm việc trong phòng, khi em cần thì cho anh biết”.

2.      Khi nàng nhờ bạn làm điều gì, hãy sốt sắng làm ngay. Nếu đang bận hay chưa muốn làm, có thể hỏi lại: “em có cần anh phải làm ngay không? Việc này có thể để ngày mai được không, để nàng nói cho bạn biết vấn đề cấp bách như thế nào. Ngoại trừ những công việc lớn lao mà bạn cần hiểu rõ và bàn cãi trước khi làm, đối với những việc rõ ràng như đi lấy đồ ở tiệm giặt ủi, đón con về, đưa ba hay mẹ đi bác sĩ, bạn nên tỏ vẻ hăng hái thi hành ngay và tường trình kết quả để nàng khỏi phải hỏi.

3.      Bày tỏ sự biết ơn đối với công việc nàng làm: bữa ăn ngon được chuẩn bị chu đáo, nhà cửa sạch sẽ, trang trí thanh nhã. Nếu có ý kiến và phê bình xây dựng, cần có những buổi nói chuyện riêng dành cho những điều này, đừng gặp đâu nói đó. Ðể ý tới sự nhạy cảm của nàng. Ý kiến đúng cần được phát biểu đúng chỗ, đúng lúc và đúng cách.

4.      Bảo vệ người đàn bà, tránh cho nàng khỏi phải làm việc quá sức. Người đàn bà nói chung và đàn bà Việt Nam nói riêng thường hy sinh cho chồng con, lo cho người khác trước khi nghĩ đến mình. Nhất là khi nàng có một khả năng đặc biệt nào đó, như nấu ăn ngon hay có tài tổ chức tiệc tùng thì thường được nhờ vả. Làm chồng, bạn cần để ý đến điều này và từ chối dùm cho nàng những việc nàng muốn từ chối mà không làm được. Hiểu được những trường hợp nàng hay yếu lòng không biết cách từ chối để bảo vệ nàng.

5.      Khuyến khích nàng làm những điều nàng muốn nhưng chưa làm được vì lúc nào “cũng phải lo cho chồng cho con trước”. Thí dụ như đi học thêm, phát triển một sở thích, một tài năng nào đó, học trang điểm, cắm hoa, may vá v.v…

6.      Rộng rãi đối với vợ về tiền bạc và thời gian: đàn bà vốn hay hy sinh và cần kiệm. Quyết định dùm cho nàng những chi tiêu mà nàng thầm ao ước sẽ đem lại cho nàng niềm vui không nhỏ, tránh cho nàng cái tránh nhiệm là đã tiêu xài quá đáng. Khi thấy nàng do dự muốn mua nhưng rồi không mua vì sợ tốn tiền, hãy khuyến khích nàng mua, hoặc mua cho nàng loại đắt tiền hơn cả loại mà nàng đang ngắm nghía. Khi bàn về ngân khoản chi tiêu trong gia đình, nên thiên về phía rộng rãi, đưa ra con số lớn hơn cho những nhu cầu của nàng và nhỏ hơn cho những nhu cầu của mình.

Khi đi đâu chơi, dành cho nàng nhiều thì giờ để chuẩn bị. Ðây là lỗi lầm người đàn ông hay mắc phải nhất. Các ông thường chuẩn bị rất nhanh, và nhiều khi không hiểu nỗi tại sao các bà mất nhiều thì giờ để chuẩn bị như vậy. Nếu hiểu được thì rất tốt (bạn sẽ trở thành người tri kỷ của vợ), nhưng nếu không hiểu được cũng đừng bất mãn hay phản đối một thực tế bất di bất dịch, là các cô các bà cần nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi ra đường, nhất là khi đi dạ tiệc hay đi du lịch xa. Ðừng phàn nàn, đừng thúc hối. Cho nàng biết càng sớm càng tốt là mấy giờ cần phải ra khỏi nhà. Bạn sửa soạn cho mình xong, xem xét coi có thể giúp nàng thâu ngắn thì giờ chuẩn bị như đóng các cửa sổ, tắt đèn, đem những đồ cần dùng ra xe trước. Nếu có con thì bạn lo các đồ dùng cho con, hoặc thay quần áo cho con, v.v… Nếu bạn làm hết tất cả những gì mình có thể làm rồi, lúc đó bạn có thể thong thả ngồi đọc báo chờ nàng, sau khi nhắc cho nàng biết là mấy giờ cần phải ra khỏi cửa. Thậm chí là nếu bị trễ nãi, cũng đành phải chấp nhận rồi sau này, trong khoảng thời gian dành cho giờ phê bình xây dựng, sẽ đem ra đặt vấn đề để cùng nàng tìm biện pháp cho những chuyến đi tương lai, đừng làm hỏng cuộc vui hiện tại bằng cách nhăn nhó, cằn nhằn.

7.      Biết lắng nghe, luôn luôn là đồng minh của vợ. Không bao giờ để hai vợ chồng rơi vào cái thế tranh đua xem ai hay hơn hoặc ai phải ai trái. Mỗi người đều có thể giữ ý kiến và quan niệm riêng. Thậm chí như khi hai vợ chồng mang hai quan niệm chính trị khác biệt, ủng hộ hai ứng cử viên đối đầu nhau, cũng vẫn nên tránh việc cố gắng thuyết phục nhau đến nỗi gây không khí căng thẳng. Phiếu ai nấy bầu là cách giải quyết tốt nhất. Khi nàng bực dọc, cần phân trần tâm sự, cần đồng minh, bạn cần biết lắng nghe, để tìm hiểu lý do làm nàng bực mình, và an ủi nàng, không phân biệt là nàng đúng hay sai. Lỗi lầm người đàn ông hay mắc phải nhất, là bạn thường lắng nghe với đôi tai của một quan tòa để xem ai phải ai đúng, rồi khi thấy lỗi của vợ, bạn chỉ ngay cho nàng biết là nàng sai ở chỗ nào, và vì nàng làm sai hay cư sử sai, cho nên vấn đề mới ra cớ sự. Khi làm như vậy, bạn làm cho nàng cảm thấy là bạn về phe bên kia, và càng làm cho nàng tức tối thêm. Lúc nãy thì tức tối người kia, bây giờ thì tức tối thêm về bạn nữa. Nên nhớ, cách nghe bằng cách phán xét đúng hay sai này, tuy rât thích hợp với việc sửa xe, sửa máy (tìm ra xe hư, máy hư ở chỗ nào để sửa) hay với công việc làm ăn buôn bán, nhưng không thể áp dụng khi vợ mình đang xúc động hay đau khổ. Hệt như một người vừa nhận được kết quả thi rớt xong, đang bàng hoàng đau khổ thì lại được nghe người thân của mình nói cho biết là mình học hành bê bối kém cõi nên mới thi rớt vậy. Tôi biết đọc tới đây thì quý ông sẽ phản đối ngay: “làm sai thì mình phải nói ra để học hỏi, chứ im lặng thì sẽ tiếp tục làm sai mà cứ cho là mình đúng à?”. Ðiều bạn nghĩ, có thể đúng lý, nhưng không đúng lúc, cần phải chờ lúc khác, khi nàng nguôi ngoai cơn buồn, cơn giận. Ðây là lý do tại sao, tôi vẫn thường nhấn mạnh là vợ chồng cần có những giây phút dành riêng cho nhau đã được ấn định trước, thí dụ như mỗi tối chủ nhật hàng tuần, để bàn tất cả những việc trong gia đình, ngân khoản chi tiêu, việc học các con, trong đó có cả việc bàn những bài học trong đời, góp ý để giúp nhau sửa đổi hầu thăng tiến bản thân và đời sống gia đình. Vấn đề gì cũng vậy, muốn phê bình xây dựng cần có khung cảnh và thời gian thuận tiện, chứ không phải gặp đâu nói đó, mà người mình hay gọi là “bị sửa lưng, bị kê tủ đứng” hay “bị tạt gáo nước lạnh vào mặt”.

8.      Diễn tả tình thương và sự tôn trọng của bạn với nàng bằng lời nói và việc làm. Người đàn bà cần được nghe lời dịu ngọt, trấn an là bạn yêu nàng, cùng với những hành động chăm sóc kể trong mười điều này. Nhớ những ngày hôn nhật, sinh nhật, Valentine, làm cho nàng những ngạc nhiên thú vị.

Tôn trọng nàng, cảm thông với nàng, không có thái độ đòi hỏi, áp lực để nàng theo ý bạn, và dĩ nhiên, nói nặng lời thuộc lãnh vực bạo hành thì càng tuyệt đối tránh. Chúng ta vẫn thường nhắc tới hai chữ “tôn trọng”như là một điều kiện tiên quyết trong mọi liên hệ, nhưng ít ai thi hành được thái độ này một cách nghiêm chỉnh và đúng mức. Tôn trọng, có nghĩa là một buổi chiều nào đó, bạn tìm đôi vớ đắc ý để chuẩn bị đi dự tiệc, mới thấy ra rằng không còn đôi vớ sạch nào trong tủ cả. Nàng chưa giặt đồ!!! Thay vì “càm ràm” hoặc hét tướng lên: “cả mấy ngày nay em làm gì mà chưa giặt đồ. Tối nay không có vớ mang đi dự tiệc đó thấy không?”. Hãy tự nhiên, lặng lẽ đi giặt đôi vớ mình cần, vắt thật khô, bỏ vào máy sấy, hoặc chạy ra tiệm gần nhà mua tạm đôi vớ mới. Hoặc chạy qua nhà hàng xóm mượn người bạn hàng xóm đôi vớ sạch. Hãy giải quyết vấn đề ngay tại chỗ, sau đó sẽ để ý tìm hiểu tại sao công việc của nàng bị bê trễ. Phải chăng nàng không khỏe trong mấy ngày gần đây? Phải chăng nàng đang bị bận tâm và chia trí vì một chuyện gì đó. Một câu hỏi dịu dàng “anh không có vớ sạch, cưng ơi” nhiều khi đã là quá đủ. Người đàn bà rất khổ tâm và khó chịu khi thấy công việc lo lắng cho chồng cho con hàng ngày của mình bị bê trễ. Nàng sẽ đáp ngay: “em biết, thôi anh ráng một lần nhé” kèm theo lời giải thích. Và chàng sẽ nhẹ nhàng vỗ vai nàng: “no problem”. Cũng một vấn đề, mà chuyện bé có thể xé ra to nếu người đàn ông ra điều hách dịch, đòi hỏi và trách cứ.

9.      Tham gia, góp ý vào những việc riêng tư của nàng như chọn màu áo, kiểu áo, chọn đồ trang trí trong nhà, góp ý với nàng về những phương cách làm đẹp, cách chọn mỹ phẩm, cách trang điểm. Ðây là một vấn đề rất tế nhị, người đàn ông cần tỏ thái độ quan tâm, nhưng không độc tài, góp ý nhưng không bắt buộc. Tránh lập đi lập lại, nhất là lập lại lời chê. Thí dụ như nàng thử áo, chàng không thích chiếc áo, chỉ cần lắc đầu hay nói: “OK thôi, không đẹp lắm” là đủ rồi, không nói lại lần thứ hai nữa. Ngay khi nàng cứ mua chiếc áo, cũng nên thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, đừng thắc mắc tại sao mình không thích mà nàng lại mua. Tuyệt đối tránh những câu nói chê nàng mập, cho dù chính nàng nói trước. Ðây là một cạm bẫy cho người đàn ông mà nhiều khi chàng không hiểu nổi. Nàng hỏi: “anh có thấy lúc này em mập hơn trước không?”, thì câu trả lời nên là: “anh thấy cũng như thường thôi, chắc tại cái màu này hay tại cái kiểu này”. Tôi biết quý ông đọc tới đây sẽ lại ầm lên: “trời ơi, tôi đồng ý cũng không được nữa hay sao? Mập hay không mập, leo lên bàn cân là biết liền, hỏi làm gì rồi người ta đồng ý lại nổi giận?”. Ðúng như vậy, mập hay không mập leo lên bàn cân là biết liền, nhưng nàng vẫn hỏi với một hy vọng là nghe lời an ủi từ chàng, là muốn nghe chàng trấn an: “em mập hay ốm gì thì cũng vẫn đẹp như thường”. Do đó, nếu có câu hỏi nào mà nàng chỉ muốn nghe một câu trả lời duy nhất, thì đó chính là câu hỏi: “em có mập không anh?”, bạn hãy thuộc nằm lòng câu trả lời nhé.

10.Cho nàng biết nàng có thể làm gì để giúp bạn, khi bạn có vấn đề lo âu, khó xử hay đang giận dữ. Người đàn ông khi có việc cần giải quyết, thường muốn ở một mình suy nghĩ, cho đến khi có câu trả lời, có cách giải quyết mới đem ra bàn thảo với mọi người. Khi họ giận dữ và cần kiểm soát cơn giận của mình, họ thường bỏ đi. Ðiều này có thể làm người đàn bà hiểu lầm, cho rằng chồng mình tránh mặt mình và không thương mình nữa. Bạn nên nói cho nàng biết là bạn cần thời gian một mình trong bao lâu, để nàng yên tâm và không cho là lỗi tại nàng.

NGƯỜI ÐÀN BÀ CÓ THỂ LÀM GÌ ÐỂ GIÚP NGƯỜI ÐÀN ÔNG THI HÀNH NHỮNG ÐIỀU TRÊN

Các bạn gái đọc tới đây chắc sẽ nhăn nhó: “trời ơi, rồi cũng tới tay tôi nữa. Muốn săn sóc tôi thì lo mà học hỏi, còn bắt tôi phải giúp nữa, thì còn gì là giá trị?”.

Lỗi lầm lớn nhất của người đàn bà là hy sinh quá nhiều và không biết cách… nhận sự săn sóc của người khác nói chung và của người đàn ông nói riêng. Vì không biết cách nhận nên nhiều khi, người đàn bà vô tình làm người đàn ông chán nản không có hứng thú để săn sóc và phục vụ các bà.

Một thí dụ của việc không biết cách nhận: người chồng mua tặng vợ một bó hoa. Thay vì cám ơn và bày tỏ sự vui mừng, nàng phán ngay một câu: “mua hoa làm gì cho phí tiền, vườn nhà mình có cả một rừng hoa rồi còn bày đặt đi mua”. Người chồng muốn đưa vợ đi ăn một nhà hàng sang trọng, thay vì vui mừng, chưng diện đẹp để có một buổi tối thơ mộng và vui vẻ, cho xứng với đồng tiền và công sức của người đàn ông, nàng chỉ chằm chằm nhìn vào thực đơn và chê là phí tiền, món này ở nhà làm chỉ có vài đồng bạc, đi nhà hàng họ tính cả trăm, phí của. Ðáp ứng như vậy tức là bảo chồng đừng mua hoa, đừng đưa nàng đi ăn tiệm. Lâu ngày, người đàn ông thấy bị cụt hứng và không còn hứng thú làm ngạc nhiên nàng bằng những săn sóc như vậy nữa.

Người chồng đem quần áo vào phòng giặt, có thiện chí đỡ đần cho vợ. Dĩ nhiên là lần đầu thế nào chàng cũng vụng về, không cho đúng lượng nước, lượng thuốc giặt, thuốc tẩy, không biết phân biệt loại quần áo nào mỏng manh cần giặt riêng với sự chăm sóc đặc biệt, nên làm hỏng, có thể làm hư đồ. Phản ứng thường thấy của các bà vợ là lôi chàng ra và chỉ cho chàng thấy chàng sai ở chỗ nào, bê bối ở chỗ nào, và chế nhạo hoặc “càm ràm”: anh làm hư chiếc áo quý của em rồi thấy không, em nói hoài mà không nghe. Nói thì hay lắm, nhưng giặt bộ đồ cũng không xong nữa…”. Dù cho điều bạn nói có đúng thế mấy chăng nữa, chắc chắn, nhuệ khí đem đồ đi giặt lần sau của chàng sẽ giảm đi rất nhiều.

Như vậy thì các bà nên làm gì, chẳng lẽ thấy sai mà không sửa. Sửa chứ, nhưng lúc khác. Lúc chàng đang làm là lúc nên tỏ vẻ cám ơn, vui mừng, để cháng thấy việc làm giúp nàng là có lý. Chuyện xử dụng máy giặt, máy rửa chén là chuyện nhỏ, học xài mấy hồi, đừng để chuyện nhỏ làm hỏng chuyện lớn là thói quen chia sẻ việc nhà của chàng đối với vợ. Có làm, có chia vui sẻ buồn, chàng mới thấy thông cảm và hiểu cái khó khăn của người vợ khi phải quán xuyến cả một gia đình. Có làm, chàng mới thiết lập được thói quen lo lắng cho gia đình, không còn quá rỗi rảnh cho một bóng hình nào khác.

Khi hy sinh quá nhiều, tức là việc làm gì cũng gánh lấy để cho chồng có nhiều thì giờ nghỉ ngơi, cũng là một tai hại. Nhiều người đàn bà tâm sự với tôi: ảnh nói để ảnh làm, nhưng rồi đống rác vẫn chất chồng ra đó, cái vườn cỏ vẫn mọc đầy, cái phòng tắm vẫn dơ bẩn mỗi lần có khách em thấy xấu hổ vô cùng. Ðể ì ra đó thì ra cái điều mình tị nạnh với chồng, nên em làm luôn cho xong cho rồi. Ðây là điều tối kỵ. Ðiều các bạn gái cần làm là ngồi lại nói chuyện với chồng để tim phương giải quyết cho chuyện trễ nãi bồn phận, chứ không phải làm thế cho chồng, tước đoạt đi thói quen và bổn phận của chồng.

Rất nhiều người vợ đã than thở với tôi điều này: em làm hết chị ơi, ảnh không làm gì hết ngoài việc đi làm, nay còn đèo bồng bồ bịch lung tung. Tôi nghĩ các bà cũng có phần đóng góp trong chuyện bê bối của quý ông.

Sau đây là những điều người đàn bà nên làm để nuôi dưỡng thiện chí và cố gắng của người đàn ông trong việc chăm sóc các bà. Tôi xin đi  từng điểm một, song song với mười điều bên trên:

Dịu dàng và ngọt ngào cho chàng biết chàng có thể làm gì để giúp nàng. Tránh tỏ vẻ sai khiến và ra lệnh. Bạn còn nhớ thuở hai người còn hẹn hò không? Bạn e ấp, thẹn thùng, nũng nịu, chàng quýnh quáng chiều chuộng không kịp. “Phu phụ tương kính như tân”: vợ chồng đối xử với nhau như khách. Sau đây là những cách nói mà bạn có thể sử dụng:

Nếu anh làm dùm cho em cái này thì em đỡ mệt rất nhiều: mài dùm em con dao, chạy xe mua cho em bình sữa để mai con có sữa ăn cereal, đổ dùm em cái bao rác; đem dùm em cái bao gạo còn trong xe, …Nên viết xuống danh sách những thứ cần thiết, vì chàng lơ đãng có thể quên.

Nếu không chắc chắn lắm là việc mình nhờ sẽ được thi hành, nên tạo cơ hội cho chàng nói ra những trở ngại hay đặt câu hỏi, cho chàng những hướng dẫn rõ rệt: em cần con dao trong khoảng một tiếng đồng hồ nữa để cắt thịt, anh nghĩ anh có thể mài kịp không? Chừng hai tiếng đồng hồ nữa là khách tới, mà phòng tắm của mình dơ lắm đó anh, anh nghĩ anh dọn kịp không?

Khi chàng nói được, hứa sẽ làm và làm xong việc, tặng cho chàng một ánh nhìn biết ơn và âu yếm, một nụ hôn trìu mến. Ngày xưa Ðắc Kỷ hay Ðiêu Thuyền cũng đến thế này là cùng phải không các bạn?

Khi chàng làm sai, hỏng việc, không nên tỏ vẻ thất vọng hay giận dữ, mà chú trọng đến việc giải quyết vấn đề. Nếu thích hợp, còn tỏ vẻ cảm thông tại sao chàng làm sai hay làm hỏng việc bằng những câu nói như: “cái con dao này nó khó mài lắm anh à, mấy lần trước em mài khổ lắm đó. Cái hiệu này khó tìm lắm, em cũng hay mua lộn hoài”.

Truờc khi ra tay làm một việc gì trong gia đình, hãy tự hỏi, có ai có thể thay thế mình làm việc này không. Có khi có thể sai con, hay nhờ chồng. Ðừng nghĩ rằng, thôi mình nên làm cho chồng nghỉ ngơi hay cho con có nhiều thì giờ học hành. Nên nhớ, để cho chồng hay con làm những việc nhà cũng là một cách tự săn sóc chính mình, mà cũng là cách tạo trách nhiệm và không khí sinh hoạt trong gia đình. Người chồng quen làm việc nhà sẽ ít thì giờ hoang đàng. Các con có nếp sống ngăn nắp, hướng về gia đình sẽ có những thói quen tốt, ít đua đòi chúng bạn.

Ðừng ngần ngại thực hiện những sở thích và mơ ước riêng tư của mình cho dù đã có gia đình và bận rộn chuyện gia đình, nhất là khi chồng khuyến khích và tạo điều kiện cho mình. Bạn sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn, và như thế sẽ làm cho chồng và con vui hơn. Không ai có thể chối cãi hạnh phúc gia đình xuất phát từ người đàn bà. Bạn vui thì cả nhà vui. Bạn quạu quọ thì cả nhà khổ sở.

Khi chồng đã khuyến khích, đừng ngần ngại mua sắm những vật dụng cho riêng mình, hoang phí một chút cho riêng mình. Tập cho chàng quen đi với những sở thích của mình. Khi tự săn sóc mình như vậy, bạn sẽ vui vẻ hơn trong những vất vả hàng ngày cho chồng, cho con.

Bày cho chồng cách lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của mình. Biết đàn ông thích cho lời khuyên làm cho bạn bực mình, bạn có thể nói trước: “em có chuyện này bực mình cần tâm sự với anh, em chỉ muốn anh nghe em nói thôi chứ đừng cho lời khuyên hay nói ai phải ai trái…” Nhắc nhở chàng khi chàng bắt đầu cho lời khuyên hoặc phê phán: “anh lại phê phán và cho lời khuyên nữa rồi…”

Khi cảm thấy không được tôn trọng, như bị chàng la mắng, nói nặng, ép buộc, kiểm soát, cần chận đứng ngay từ lúc đầu đừng để điều này trở thành thói quen rất khó thay đổi sau này. Thí dụ như: “xin anh hạ giọng xuống, anh đang lớn tiếng với em, em không thích”. “Ðừng sai khiến em, em không thích”. Và nhất định không chịu tiếp tục câu chuyện nếu chàng vẫn tiếp tục lớn tiếng hay dùng những lời lẽ nặng nề: “em chỉ nói chuyện với anh nếu anh dùng những lời lẽ lịch sự và tôn trọng em”.

Cho chàng biết trước những thay đổi trong công việc hàng ngày mà mình vẫn đảm đương để chàng khỏi thất vọng hoặc có thể giúp đỡ: “tối nay em mệt quá chắc không nấu cơm được, anh mua đồ ăn đem về được không? Mình ra ngoài ăn được không?

Hỏi ý kiến chàng về những việc mình làm. Ðừng để những ý kiến mạnh bạo của chàng làm mình phải chùn chân và thối lui. Nên nhớ, mình có toàn quyền quyết định những việc riêng của mình, như cách cư sử tại sở làm, cách ăn mặc theo sở thích, ăn món mà mình thích, mặc dù mình vẫn lắng nghe ý kiến của chàng. Có hai thái cực mà mình cần tránh: có những lứa đôi cãi nhau cả ngày làm không khí căng thẳng luôn luôn vì không những họ có ý kiến khác biệt, họ còn mong muốn người kia phải tuân theo ý của họ nữa. Một thái cực kia là chẳng ai góp ý với ai, mạnh ai nấy làm, không bàn thảo, không góp ý vì mỗi lần bàn là cãi nhau, là giận hờn, thôi thì cứ làm trước rồi tính sau. Cả hai thái cực đều làm cho lứa đôi xa cách hơn lên.

Chịu trách nhiệm về niềm vui và hạnh phúc của mình: tự mình nghĩ cách làm mình vui hay làm mình hạnh phúc. Một trong những lỗi lầm lớn của người đàn bà, là cho rằng hạnh phúc của mình là do chồng hay do con, rồi từ đó, chuyên chú vào việc trách chồng, trách con, thay vì tự hỏi mình có thể tự mình đem lại hạnh phúc cho mình mà không phải lệ thuộc vào chồng, vào con hay không. Tôi thấy không hiếm những trường hợp người đàn bà dồn hết nỗ lực, hy sinh mọi thú vui của mình để lo cho chồng đỗ đạt, thành sự nghiệp, để rồi dùng công trạng này như là một áp lực để đòi hỏi người chồng phải  đền đáp: “tôi hy sinh cuộc đời của mình cho anh ấy, mà nay anh ấy lại phản bội tôi”. Tuy rằng sự đền đáp và chăm sóc của người đàn ông là điều cần thiết, nhưng người đàn bà cũng cần biết chịu trách nhiệm đem đến hạnh phúc cho riêng mình. Nói chuyện lỗi phải cũng không giải quyết được gì, chúng ta cần tự lo cho mình và tự săn sóc cho chính bản thân mình, đồng thời hướng dẫn chồng mình cách săn sóc cho mình.

Chăm sóc cho diện mạo và dung nhan của mình, cho dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Trước hết, mình thấy vui và tự tin. Thứ nhì, chồng hãnh diện về mình. Ðàn ông mê sắc và hãnh diện có vợ đẹp. Học hỏi thêm, trau dồi kiến thức, cách ăn nói, diễn đạt tư tưởng ngọt ngào, lịch sự. Tạo một không khí vui tươi xung quanh mình làm cho chồng thích ở gần, con quyến luyến muốn về thăm nhà. Nhà cửa sạch sẽ, thoải mái, cơm lành canh ngọt, nụ cười luôn ở trên môi, giọng nói ngọt ngào,khuôn mặt tươi tắn…hỏi có người đàn ông nào mà không thương?