Trong những năm gần đây, số người vướng bệnh tiểu đường ngày một gia tăng. Chủ yếu của bài viết này là để quảng bá hai dữ kiện ngày càng rõ rệt:

  1. Nếu vướng tiểu đường rất dễ bị nhồi máu cơ tim (heart attack) và tai biến mạch máu não (stroke).
  2. Nếu chịu khó gìn giữ thì rất hy vọng sẽ giảm được những tai hoạ này.



Theo thống kê hiện đại, trong số những bệnh nhân tiểu đường đã chết, hơn 65% mất mạng vì nhồi máu cơ tim (heart attack) hoặc tai biến mạch máu não (stroke). Hai bệnh này gọi chung là bệnh tim mạch. Nếu có tiểu đường mà còn hút thuốc, hoặc có bệnh mỡ (cholesterol và triglycerides) hoặc có cao máu (hypertension) thì còn nguy hơn nữa. Trong ba thập niên qua số người không tiểu đường (gọi tắt là KTÐ) chết vì bệnh tim ngày càng thuyên giảm, trong khi đó số người tiểu đường (gọi tắt là TÐ) chết vì bệnh tim ngày càng gia tăng. Tỷ số bệnh nhân TÐ chết vì bệnh tim mạch cao gấp hai tới bốn lần bệnh nhân KTÐ. So với người KTÐ, bệnh nhân TÐ có tỷ số tai biến mạch máu não (stroke) cao gấp hai tới bốn lần. Thêm nữa, bệnh nhân TÐ nếu đã bị stroke một lần rồi, thì tỷ lệ bị stroke lần thứ hai cũng cao gấp hai cho tới bốn lần.

Bệnh tiểu đường làm cho mạch máu bị thương tích, dòn cứng hơn, và tạo hoàn cảnh cho cholesterol dễ bám vào thành của mạch máu, làm nghẽn lưu thông. So với người KTÐ, bệnh nhân TÐ thường bị nghẽn mạch máu lúc tuổi còn trẻ hơn. Thêm nữa, nếu có TÐ thì bệnh nghẽn mạch sẽ phát triển nhanh chóng hơn và mạnh mẽ hơn. Một người TÐ dù chưa hề bị bệnh tim cũng dễ bị đau tim như một người KTÐ mà đã từng bị đau tim (heart attack) qua rồi.

Người bị TÐ nếu chịu khó giữ gìn thì rất có hy vọng là sẽ giảm được tỷ số bị bệnh tim mạch. Bệnh nhân TÐ nên tìm hiểu về cách sử dụng những máy thử đường tại gia. Nếu có tự thử đường tại gia mới biết là mình đã đạt được chỉ tiêu hay chưa, hay vẫn còn phải tăng hay giảm thuốc. Càng thử nhiều thì càng hiểu biết về bệnh của mình và càng có đủ dữ kiện để giúp mình tự chăm sóc. Ăn uống cũng cần phải đúng phương thức và có chừng mực. Nếu muốn biết thêm chi tiết về chuyện dinh dưỡng, xin quý vị đọc bài của bác sĩ Phạm văn Ngà cũng trong số này. Ráng giữ đừng để lên cân. Ráng thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, nếu trên 35 tuổi thì nên tham khảo trước với bác sĩ để tránh những hoạt động có tầm mức nguy hại. Ngoài chuyện chăm sóc mức đường trong máu, ăn uống điều độ, thể dục thường xuyên, người TÐ còn cần phải để ý đến áp suất máu (blood pressure), mỡ trong máu (cholesterol và triglycerides). Tuyệt đối tránh hút thuốc và nên hỏi ý kiến của bác sĩ về chuyện mỗi ngày uống thêm một viên aspirin nhỏ.

Người có bệnh TÐ cũng thường vướng bệnh cao huyết áp. Giữ được áp suất thấp sẽ ít bị bệnh tim mạch. Nên bớt muối, nước mắm, xì dầu và ăn thêm rau cải, trái cây. Uống bia chỉ tới một hai chai mỗi ngày là tối đa, một ly rượu vang thì cũng tương đương với một lon bia. Nếu cần uống thuốc để hạ huyết áp thì nên ráng uống theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. Ðừng tự tăng, giảm hoặc bỏ thuốc. Thuốc áp huyết bây giờ rất tốt và có nhiều loại khác nhau, nếu không hợp với thứ này thì cũng có thứ khác để thử.

Mỡ trong máu làm tăng tỷ lệ bị bệnh tim mạch, nhất là những người bị bệnh tiểu đường. Nên thể dục, giữ đừng mập, giới hạn thức ăn nhiều dầu mỡ. Người có TÐ phải giữ mỡ trong máu thấp hơn bình thường. Có thể nói hầu hết tất cả những người TÐ trên 40 tuổi đều cần phải uống thuốc giảm mỡ. Khoa học hiện đại đã chứng minh rất rõ ràng là thuốc hạ mỡ giúp giảm tai hoạ cho những người có tiểu đường ngay cả những người không bị cao mỡ. Lý do đơn giản là ngoài chuyện giảm mỡ, những thuốc này còn giúp cho mạch máu khỏi bị sưng và làm máu bớt đặc. Hai điều này giúp cho mạch máu khỏi bị nghẽn. Thuốc hạ mỡ có nhiều loại. Bác sĩ sẽ chọn một thứ phù hợp với hoàn cảnh của bạn.

Thuốc lá là thuốc độc cao cấp. Nếu có TÐ mà còn hút thuốc thì tai hoạ tăng lên rất nhiều. Bằng mọi giá nên bỏ thuốc lá. Hiện trong thị trường có bán thuốc dán (patch), thuốc hít (inhaler), thuốc xịt (spray), thuốc nhai (gum) và thuốc uống (pill) để giúp bạn bỏ thuốc.

Một viên aspirin nhỏ mỗi ngày cũng có tác dụng làm giảm tỷ số vướng bệnh tim mạch. Tuy nhiên, thuốc này có khả năng làm sót bao tử và ruột. Nên lấy ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc. Nếu thật cần thiết, bác sĩ cũng có thể kiếm một thứ thuốc khác để thế nếu bạn không có sức để uống aspirin. Dĩ nhiên mỗi bệnh nhân mỗi khác.

Hiện nay có những tin đồn là thuốc hạ máu hạ mỡ làm hại gan, hại thận v.v… Những lời đồn này phóng đại sự thật, thiếu chính xác, và có tác dụng vô cùng tác hại. Biết bao nhiều người đã mổ tim, bán thân bất toại, liệt hoặc mất mạng vì đã tự bỏ thuốc sau khi nghe những tin tai hại này. Biến chứng phụ của thuốc phaœi nói là rất nhẹ, rất hiếm, nhất là nếu uống thuốc và theo dõi theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. Chẳng thấy ai thay nhớt xe mà tự động tăng thêm ba lon hay giảm đi hai lon. Uống thuốc cũng không nên tự tăng tự giảm. Chúng ta cần cân nhắc biến chứng của thuốc với những tai hoạ của bệnh nếu không được chữa đúng cách. Những bệnh như tiểu đường, cao áp huyết, cao mỡ sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại nếu bệnh không được chữa trị. So với những hậu quả của những bệnh này, biến chứng của thuốc phải nói là “chuyện nhỏ”. Ăn cữ và thể dục là những chuyện cần và nên làm, nhưng rất có thể là sẽ không đủ để thay thế cho chuyện uống thuốc hạ mỡ, hạ đường, hạ huyết áp.

Nói tóm lại, nếu có TÐ thì phải đặc biệt chú trọng đến mỡ và áp huyết để ngăn ngừa những bệnh tim mạch. Nên bỏ thuốc lá, bớt uống rượu, bớt dầu mỡ, mắm muối. Nên hoạt động thường xuyên và tránh đừng để mập. Nếu đã làm những chuyện vừa kể mà vẫn không thể kềm nổi đường mỡ, áp huyết thì nên uống thuốc và theo dõi chặt chẽ.


LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here